Tiềm năng xuất khẩu chè Việt sang các thị trường mới hậu Covid-19

Cùng với các thị trường truyền thống như Pakistan, Nga, Đài Loan…, chè Việt Nam cũng đang được ưa chuộng tai các thị trường mới đầy tiềm năng như Iraq, Hoa Kỳ, ... Đây là cơ hội để doanh nghiệp chè mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thị trường không ngừng mở rộng

Gần 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại và tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn gấp nhiều lần so với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã từng xảy ra. Nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chè từ đầu năm đến nay, đã gần như bị đóng băng. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè đang phài gồng mình vượt khó, đồng thời tìm ra hướng đi mới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. 

Thời gian qua, việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nông sản tiếp cận cũng như thâm nhập vào các thị trường mới. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chính, chè Việt Nam cũng đang được nhiều thị trường mới đón nhận như Hoa Kỳ, Iraq hay Philippines. 

Tiềm năng xuất khẩu chè Việt sang các thị trường mới hậu Covid-19 - Ảnh 1

Riêng trong 9 tháng năm 2021, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Nga,.. đều giảm. Trong khi đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường: Iraq, Hoa Kỳ,  Philippines, Ba Lan Đức tăng trưởng tích cực. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường I-rắc đạt 5.041 tấn, trị giá 7.590 nghìn USD, tăng 76,2 về lượng và tăng 87,49 về trị giá; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 4.402 tấn, trị giá 6.048 nghìn USD, tăng 10,46% về lượng và tăng 17,39 về trị giá…

Ngoài ra, năm 2021 sản phẩm chè chất lượng cao đã xuất khẩu vào một số thị trường có giá trị gia tăng cao như thị trường Pháp, Đức, Ý , Úc .. giá bình quân đạt từ 12 đến 15 ngàn USD /tấn, có sản phẩm đạt trên 20 ngàn USD/tấn. Số lượng tuy không nhiều nhưng đây là dấu hiệu tốt cho sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường này. Tuy nhiên, do lượng xuất khẩu chè sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam.

Tại thị trường Trung Quốc, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu chè cũng tăng đáng kể. Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu chè tới đây tăng mạnh 30,5% về lượng và tăng 43% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.709 tấn, tương đương 12,23 triệu USD; giá cũng tăng 9,7%, đạt 1.587 USD/tấn. 

Thị trường ASEAN cũng là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam ở ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines luôn ghi nhận những mức tăng đáng chú ý. Thực tế, thị trường ASEAN không khó tính như nhiều thị trường khác tại Đông Bắc Á, châu Âu hay Hoa Kỳ. Không những thế, ASEAN còn có vị trí địa lý gần gũi, văn hóa sinh hoạt và nhu cầu sử dụng hàng hóa có nhiều điểm tương đồng… nên có thể giúp sản phẩm chè Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu chè Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn. Năm 2020, trị giá nhập khẩu chè của ASEAN là 219 triệu USD, chiếm 3,3% tổng kim ngạch nhập khẩu chè thế giới. Kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam vào ASEAN năm 2020 là 16,7 triệu USD chiếm 7,6% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của ASEAN. Trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tại châu Mỹ và châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn, cản trợ thì các doanh nghiệp nên đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN. Đây cũng được xem là phương án tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

Tiềm năng xuất khẩu chè Việt sang các thị trường mới hậu Covid-19 - Ảnh 2

Trong các thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, thị trường Mỹ cũng rất đáng chú ý. Đây là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu chè. Hiện có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày. Tính ra, mỗi năm người Mỹ chi hơn 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho sản phẩm chè đặc sản cao cấp của Việt Nam. Trong năm 2020, tổng nhu cầu nhập khẩu của nước này đạt 105,6 triệu tấn chè, trị giá 473,8 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2020 là 7 triệu USD, chiếm 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của Hoa Kỳ. Nhập khẩu chè của Mỹ nửa đầu năm 2021 đạt 252,6 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020, song chè Việt Nam chiếm 1,62% trong tổng trị giá nhập khẩu chè của Mỹ. Trong 9 tháng năm 2021, nhập khẩu chè Việt Nam của Hoa Kỳ cũng đã tăng 10,46% so với cùng kỳ năm 2020.  

Bên canh đó, EU cũng là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành chè Việt Nam, bởi nhu cầu nhập khẩu chè của EU rất lớn, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp.  Mặt hàng chè được người dân EU rất ưa chuộng do nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Nguồn chè sau khi nhập khẩu sẽ được chế biến và tái xuất. Hiện nay, EU vẫn chủ yếu nhập khẩu chè đen nhưng xu hướng thị trường ngày càng nghiêng về chè xanh hơn chè đen. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thương mại toàn cầu, với Hiệp đinh EVFTA, EU đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung và chè nói riêng vào thị trường này. Trong đó, chè xuất khẩu tới thị trường EU đã tăng với tốc độ là 49,0%.  

Tuy nhiên, với EU hay Hoa Kỳ, đây đều là những thị trường khó tính, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Do đó chè Việt Nam cần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm để đáp ứng nguồn cung. Đồng thời khắc phục hơn nữa các hạn chế về chất lượng, cũng như mẫu mã bao bì để có thâm nhập sâu hơn vào các thị trường này

Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam có thể tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu toàn cầu đang cải thiện, khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vacxin Covid-19 và các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. 

Tiềm năng xuất khẩu chè Việt sang các thị trường mới hậu Covid-19 - Ảnh 3

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới, đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các nước. Thực tế cho thấy, thị phần chè của Việt Nam còn quá khiêm tốn so với nhiều thị trường lớn khác, như Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ,… Để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường mới tiềm năng, doanh nghiệp chè Việt Nam nên tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, tận dụng những lợi thế của Việt Nam so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, thông qua các hội chợ triển lãm, các siêu thị ,…

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần xác định được mặt hàng xuất khẩu trọng tâm tới các thị trường này. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thị trường tiêu thụ chè lớn, nhưng chủ yếu là chè đen. Trong khi đó, Việt Nam đa dạng hóa về các loại chè xanh hơn là chè đen, vì vậy, sản lượng chè Việt Nam xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cao. Mặt khác, doanh nghiệp chè Việt Nam cũng chưa chú trọng xuất khẩu vào thị trường này. Nếu muốn gia tăng kim ngạch thì thời gian tới các doanh nghiệp cần xác định mặt hàng trọng tâm là chè đen để khai thác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, quảng bá xúc tiến xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, để có thể tạo dựng được thương hiệu chè Việt tại các thị trường mới, các doanh nghiệp chè còn có thể triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá về chất lượng và xây dựng uy tín về ngành chè Việt Nam gắn với các câu chuyện của sản phẩm, văn hóa chè; quảng bá thông qua các cuộc thi quốc tế thường niên về pha chế chè để tiếp cận người tiêu dùng các nước một cách trực tiếp.  

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại các nước đều vượt qua giai đoạn khủng hoảng dù dịch bệnh vẫn còn nhiều căng thẳng. Các nước cũng đang dần mở cửa trở lại, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường
lớn như EU, những tháng cuối năm sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải chuẩn bị cho các lô hàng xuất khẩu vào đầu năm sau để đón đầu các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định. Do vậy, rất cần ưu tiên và đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên ở các nhà máy chế biến, khu công nghiệp để chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.

Sau thời gian "đóng băng", quay lại với guồng quay của cuộc sống "bình thường mới", chắc chắn các doanh nghiệp sẽ cần tìm ra những hướng đi mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi ổn định thị trường sẽ bứt phá với những mục tiêu mới. Qua đó, hứa hẹn mang lại sự đột phá đối với xuất khẩu ngành chè - để giá trị đóng góp của ngành chè thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có của mình.

*Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh