Thực trạng ngành chè
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin.
Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Liên quan đến thực trạng của ngành chè trong nước, Hiệp hội Chè Việt Nam nhìn nhận, tuy có những vượt bật trong sự phát triển về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn.
Quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, ước tính bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè còn hạn chế, chè có tươi mới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).
Nhiều cơ sở chế biến chè tuy được cấp giấy phép cho xây dựng nhưng lại không có vùng nguyên liệu đáp ứng, cùng với đó là trình độ tay nghề trong chế biến còn thấp, dẫn đến chất lượng chè không cao.
Bên cạnh đó, chất lượng chè, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế - xã hội trong đó có ngành chè. Để giữ ổn định diện tích cây chè đồng thời với nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà, theo Hiệp hội chè Việt Nam, các địa phương nhất thiết phải đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm trà truyền thống.
Chè sạch, chất…đảm bảo
Hiện nay, tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice) ngày càng được nhiều nước nhập khẩu chè ưa chuộng vì có thể kiểm tra được chất lượng các loại chè khi lưu thông trên thị trường. Áp dụng các tiêu chuẩn GAP, người nông dân trồng chè sẽ có nhật ký ghi lại việc canh tác, chăm bón chè từ đầu vụ đến cuối vụ. Các đơn vị thu mua, chế biến cũng có những ghi chép cụ thể để sau khi các sản phẩm chè ra thị trường, người tiêu dùng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc chè khi cần thiết.
Anh Trần Văn Đảng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) cho hay: Sản xuất chè an toàn công sức bỏ ra là rất lớn, trong khi hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Đơn cử như làm chè theo hướng hữu cơ, tôi bán với giá cao hơn khoảng 30% so với chè thông thường vậy nhưng sản lượng lại thấp hơn khoảng 20% trên cùng một diện tích canh tác. Thêm vào đó, chúng tôi cũng chưa có đầu ra ổn định mà vẫn phải đem bán tại chợ hay bán cho thương lái, bị đánh đồng với chè thông thường với giá cả lên xuống bấp bênh. Hiện nay, tại các thị trường ngoài tỉnh có hiện tượng trà trộn chè Thái Nguyên phẩm hạng thấp với phẩm hạng cao hoặc chè Thái Nguyên với chè của một số địa phương khác.
Tiêu chuẩn VietGAP hay hữu cơ mới chỉ là bước khởi đầu để nâng cao giá trị của sản phẩm chè. Để có hiệu quả kinh tế từ ngành chè, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, ngoài việc trồng, chăm sóc theo quy chuẩn, người làm chè cần tiếp tục đầu tư cho khâu chế biến, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và tăng cường xúc tiến thương mại cho chính sản phẩm của mình. Thực tế, những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, hình thức bắt mắt luôn được tiêu thụ với giá bán cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm thông thường và không lo thiếu thị trường…
Quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các hộ dân phải ghi chép nhật ký sản xuất (sổ nông hộ) thật chi tiết. Đây là cơ sở để chứng minh người dân thực hiện đúng quy trình, sản phẩm chè đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, từ trước đến nay người dân lại chưa có thói quen ghi chép, hạch toán nên sổ sách thường thiếu thông tin và không chính xác. Nhiều hộ dân không ghi chép sổ nông hộ hoặc ghi chép thông tin không đầy đủ, do đó khó truy nguyên được nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè…
Thêm một vấn đề nữa là các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang thiếu “bà đỡ” cho sản phẩm sau khi được công nhận. Do đó các tổ hợp tác chè vẫn “loay hoay” trong việc đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ và chưa có định hướng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng. Cũng vì lý do đó mà sản phẩm chè VietGAP chưa có giá cao và “chỗ đứng” trên thị trường.
Từ thực tế cho thấy quá trình này đang còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Và, để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó thì cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan cũng như của chính các hộ dân làm chè. Chủ trương nhân rộng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nền sản xuất an toàn là hoàn toàn đúng đắn. Do đó, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải thay đổi tư duy của người trồng chè, người tiêu dùng để tạo điều kiện phát triển các mô hình này.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh chè không an toàn, hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc thiếu “bà đỡ” cho các sản phẩmchè VietGAP, gây nên tình trạng người trồng chè không thể gia tăng giá trị sản phẩm, tạo sự khác biệt với chè thông thường.
Theo một số nhà chuyên môn, để tháo gỡ vấn đề này, ngoài ngành nông nghiệp, cần thêm sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân làm mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu tập thể, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm chè đại trà. Tỉnh ta cũng cần xem xét thành lập đơn vị độc lập chuyên giúp đỡ người dân lĩnh vực này. Đồng thời, có các phương án bứt phá về tiêu thụ, giúp người trồng chè và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp và quay trở lại bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tiếp tục lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của người làm chè, cần “đứng chung hàng, đi chung lối” và đi đến cùng với người dân từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, giá trị sản phẩm chè an toàn mới đứng vững chắc trên sân nhà và tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường quốc tế…
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.