Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào Kỷ nguyên xanh nơi sự phát triển kinh tế phải song hành với trách nhiệm môi trường và xã hội thì khái niệm “tiêu dùng xanh” không còn là một xu hướng thời thượng, mà đã trở thành tiêu chuẩn tất yếu trong hành vi tiêu dùng hiện đại. Với ngành chè Việt Nam, một ngành có truyền thống lâu đời, gắn bó sâu sắc với nông thôn và văn hóa bản địa đây không chỉ là cơ hội, mà còn là con đường sống còn để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.
Tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng, mà là chìa khóa giúp chè Việt nâng tầm giá trị và vươn xa bền vững. Ảnh minh họa
Khi người tiêu dùng làm thay đổi cuộc chơi
Tiêu dùng xanh là hành vi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng, quá trình sản xuất hạn chế phát thải và không gây tổn hại tới hệ sinh thái. Những năm gần đây, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn để sở hữu sản phẩm “xanh” đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của chè Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Thậm chí, ở những phân khúc cao cấp, yếu tố "bền vững" đang trở thành điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường.
Không còn chỉ quan tâm đến hương vị hay thương hiệu, người tiêu dùng hiện đại muốn biết chiếc lá trà họ đang uống đến từ vùng nguyên liệu nào, có trồng hữu cơ hay không, người nông dân có được trả công công bằng hay không, bao bì có thể tái chế hay không. Chính những câu hỏi tưởng như nhỏ nhặt ấy đang buộc ngành chè phải thay đổi từ gốc rễ, từ cách canh tác, sản xuất đến marketing nếu muốn tồn tại và phát triển trong thị trường ngày càng khắt khe và cạnh tranh toàn cầu.
Lợi thế tự nhiên cần được “xanh hóa”
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới với diện tích trồng chè khoảng 123.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm. Từ Mộc Châu, Tân Cương, Suối Giàng đến Hà Giang, Tây Côn Lĩnh những vùng chè nổi tiếng không chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng, mà còn là nơi lưu giữ giống chè cổ thụ quý hiếm, như Shan tuyết, Hoàng trà, Bạch trà…
Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: trong khi sở hữu nguồn nguyên liệu tốt và truyền thống lâu đời, ngành chè Việt lại chưa tận dụng được xu hướng tiêu dùng xanh một cách hiệu quả. Phần lớn chè xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp, chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ còn thiếu chiến lược phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn xanh, hoặc chưa đủ năng lực đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, bao bì thân thiện môi trường, chứng nhận hữu cơ hay fair trade những yếu tố ngày càng quan trọng với người tiêu dùng thế giới.
Tiêu dùng xanh, áp lực và động lực để chuyển mình
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng không chỉ tạo ra áp lực mà còn mở ra động lực chuyển đổi mạnh mẽ cho ngành chè Việt. Khi nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm sạch, bền vững, rõ nguồn gốc, người nông dân và doanh nghiệp buộc phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thực tế, nhiều mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và bền vững đã xuất hiện. Các hợp tác xã tại Thái Nguyên, Hà Giang,Tuyên Quang, Lâm Đồng… bắt đầu ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, giám sát quy trình sản xuất và giảm phát thải. Một số doanh nghiệp tiên phong đã đạt được chứng nhận quốc tế như Rainforest Alliance, USDA Organic, EU Organic, không chỉ nâng cao giá bán mà còn mở rộng thị trường sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Đặc biệt, các mô hình kết hợp chè với du lịch xanh, trải nghiệm văn hóa bản địa cũng đang được khai thác nhằm tạo giá trị gia tăng kép vừa tiêu thụ sản phẩm chè ngay tại địa phương, vừa nâng cao nhận thức của du khách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế “tiêu dùng có trách nhiệm” đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.
Vai trò của chính sách và truyền thông
Để tiêu dùng xanh thực sự trở thành động lực phát triển ngành chè, cần có sự đồng hành từ chính sách và hệ thống hỗ trợ. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, xây dựng tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận phù hợp với đặc thù chè Việt. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng trong nước nơi mà nhận thức về chè xanh, hữu cơ còn thấp, dù tiềm năng rất lớn.
Theo khảo sát mới nhất của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, có đến 64% người tiêu dùng trong nước sẵn sàng mua chè hữu cơ nếu sản phẩm dễ nhận diện và được xác thực nguồn gốc. Đây là cơ hội vàng để các thương hiệu chè nội địa phát triển thị trường trong nước nơi có hơn 100 triệu dân, trong đó giới trẻ đang quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và lối sống bền vững.
Từ chiếc lá chè đến niềm tự hào quốc gia
Tiêu dùng xanh không chỉ giúp chè Việt mở rộng thị trường và nâng cao giá trị, mà còn là cánh cửa để ngành chè góp phần vào cam kết quốc gia về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một ngành chè bền vững không chỉ mang lại sinh kế cho hàng triệu nông dân, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm với môi trường và thế giới.
Và có lẽ, hành trình vươn xa của ngành chè Việt sẽ không bắt đầu từ những hội nghị tầm cỡ, mà từ những lựa chọn rất nhỏ một túi trà có bao bì phân hủy sinh học, một sản phẩm có mã truy xuất nguồn gốc, hay đơn giản là một người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm để chọn điều đúng đắn. Trong thời đại mà mọi hành vi tiêu dùng đều để lại “dấu vết”, hãy để những dấu vết đó là xanh.