Tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2023 là 50,7 lít/người.

Đồ uống có đường bao gồm nước ngọt, nước tăng lực, nước trái cây đóng hộp, trà sữa,... Chúng chứa nhiều đường fructose, được hấp thụ nhanh qua gan và chuyển thành chất béo trong gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đồng thời, đồ uống có đường cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường, tim mạch, sâu răng, ung thư đại trực tràng, giảm khả năng sinh sản và tác động xấu đến xương.

Tại Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có đường đặc biệt cao ở trẻ em. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh từ hơn 30,1% lên gần 34% trong giai đoạn 2013-2019.

Tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ - Ảnh 1

Tình trạng này đang gây ra những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em từ 5-19 tuổi ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Với người trưởng thành, trong 6 năm (2015-2021), tỷ lệ người thừa cân, béo phì đã tăng 30%. Cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người gặp tình trạng này.

Để giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường, WHO khuyến cáo cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và giảm xuống dưới 5%, tương đương 25gram hoặc 5-6 muỗng cà phê.

Các quốc gia trên thế giới đang triển khai kết hợp các giải pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, bao gồm: Giáo dục truyền thông, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em và áp thuế với đồ uống có đường. Trong đó, áp thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, hiện được áp dụng tại 115 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đề xuất áp dụng thuế đối với đồ uống có đường. Theo dự thảo, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường từ 10g/100ml trở lên sẽ tăng từ 10% lên 15%.

Đây là một giải pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường.

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ do tiêu thụ đồ uống có đường, mỗi người cần thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế sử dụng đồ uống có đường, tăng cường vận động thể lực và lựa chọn các loại đồ uống lành mạnh như nước lọc, sữa, nước trái cây tươi không đường,...

Bảo Anh