Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy trong 7 tháng qua, cả nước đã đón và phục vụ 71,8 triệu lượt khách nội địa (vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm), song lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì rất hạn chế khi cả nước mới đón khoảng hơn 900.000 lượt (kế hoạch mục tiêu là 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022).
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định có những nguyên nhân khách quan khiến thị trường quốc tế chưa thể tăng tốc trở lại, điển hình là xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga, ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã “mở rộng cửa” nhưng chính sách phòng chống dịch, mở cửa ở các nước lại khác nhau khi hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á hiện đang xiết chặt phòng chống dịch. Hơn nữa, thời điểm này Việt Nam vẫn chưa phải cao điểm mùa du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75% (mức tăng cao thứ 4 thế giới). Điều này hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành du lịch nước nhà.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp du lịch đang tích cực hơn khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại ngày càng tăng, cung cấp nhiều việc làm hơn. Trong nửa đầu năm, Tổng cục Du lịch đã cấp phép mới cho 312 công ty lữ hành quốc tế, tăng 286 công ty so với năm 2021.
Hầu hết các du khách nước ngoài đến từ châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Hàn Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này, tiếp theo là Mỹ.
Mặc dù nhỏ, nhưng số lượng khách du lịch đến từ châu Âu cũng đang tăng lên, với mức tăng trưởng tương đối cao, đặc biệt là những du khách đến từ Anh, Pháp và Đức.
Theo báo cáo chỉ số phát triển du lịch và du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào top đầu thế giới, du lịch Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia phát triển nhanh nhất. Việt Nam cũng sẽ tổ chức International Travel Expo (Triển lãm Du lịch Quốc tế), một trong hai triển lãm du lịch quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, tại TP.HCM từ ngày 8-10/9.
Đặc biệt, để thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.