Đâu là nơi sinh ra trà sữa
Trà sữa là một trong những thức uống nổi tiếng nhất ở hiện tại, trà sữa như một thức uống với nhiều phiên bản mang âm hưởng của các nền văn hoá khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện phía sau sự ra đời của các loại trà sữa đang thịnh hành mà không phải ai cũng biết.
Ở nhiều nơi trên thế giới, trà và sữa gần như một cặp đôi hoàn hảo. Tuy vậy phải mất đến gần trăm năm, cũng như biết bao cuộc cải cách, chuyển dời và giao thoa văn hoá mang tính lịch sử thì trà sữa mới được công nhận rộng rãi như ngày nay.
Trà sữa là loại trà được kết hợp giữa trà và sữa. Khi nhắc đến trà sữa thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những ly trà sữa mát lạnh với những hạt trân châu dẻo ngọt. Tuy nhiên đây là loại trà sữa mới được phát minh ra gần đây ở Đài Loan. Trước trà sữa Đài Loan đã có những loại trà sữa nổi tiếng khác. Lịch sử của trà sữa kéo trong hàng trăm năm và khó có thể nói rõ được nó bắt đầu từ khi nào. Đến hiện tại, không ai chắc chắn rằng vùng nào hay nơi nào nghĩ đến việc đổ trà vào sữa đầu tiên. Một số tài liệu cho thấy rằng việc pha sữa với trà có từ khoảng thế kỷ 17 và 18 ở Anh và Pháp.
Trà sữa ra đời ở Anh vào khoảng thế kỷ thứ 17 hoặc 18. Vào thời gian này, uống trà được xem là thú vui của tầng lớp quý tộc và thương nhân giàu có, nhưng những tách trà sứ dễ bị vỡ do sức nóng từ nước trà. Thế nên người Anh đã nghĩ ra một cách, đó chính là cho một ít sữa vào tách trà trước, rồi mới rót trà vào sau như vậy nước trà sẽ nguội hơn, còn trà cũng sẽ thơm ngon hơn do kết hợp cùng với sữa. Trà sữa từ Anh Quốc được xem tạo nên nền tảng cho các loại trà sữa nổi tiếng sau này. Từ trà sữa Đài Loan cho đến trà sữa Thái hay trà sữa Hong Kong.
Trà sữa Đài Loan
Trà sữa Đài Loan về cơ bản cũng chỉ có trà và sữa. Một điểm làm nên khác biệt hoàn toàn so với những loại trà sữa khác đó là trà sữa Đài Loan có thêm hạt trân châu (boba), thế nên loại trà này còn được gọi là trà sữa trân châu.
Tiệm trà Chun Shui Tang ở Đài Trung được công nhận là nơi sáng tạo nên trà sữa Đài Loan. Quán trà sữa Chun Shui Tang được sáng lập bởi ông Liu Han – Chieh. Theo ông Chieh, vào những năm 80 thế kỷ trước, nhu cầu du lịch nước ngoài của người Nhật tăng cao và Đài Loan là một trong những điểm đến ưa thích của họ. Vào thời điểm đó, quán trà Chun Shui Tang như bao quán trà ở Đài Loan khác đều phục vụ kiểu uống trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Về cơ bản thì trà là phải uống nóng, thế nhưng vào những ngày hè nóng bức thì việc uống trà nóng đối với những du khách Nhật Bản là việc khá khó khăn. Thức uống ưa thích của những du khách này là đồ uống lạnh. Ông chủ trà quán Chun Shui Tang nghĩ ra cách để hút khách đó chính là cho thêm đá vào trà. Chính việc thay đổi menu này đã khiến trà quán thành nơi cực thu hút khách du lịch. Giúp cho trà quán mở thêm một số chi nhánh khác trong thành phố.
Chẳng ai biết được nguồn gốc rõ ràng của trà sữa Đài Loan. Thế nhưng có một điều chắc chắn là loại trà sữa này không chỉ đơn thuần là một phong trào mà đây có thể gọi nôm na là ‘hiện tượng toàn cầu’. Vì những tiệm trà sữa xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Từ những góc đường Sài Gòn, cho đến những con phố ở New York hay Luân Đôn.
Trà sữa Thái
Ở Việt Nam, trà sữa Thái có lẽ chỉ đứng sau trà sữa Đài Loan về mức độ nổi tiếng. Có rất nhiều món ăn Thái du nhập vào Việt Nam, việc này nhờ vào lượng khách người Việt đến thăm thú xứ sở chùa Vàng hàng năm rất đông. Nhu cầu đối với ẩm thực Thái ở Việt Nam cũng nhờ đó mà tăng mạnh. Và trà sữa Thái cũng nhờ vậy mà xuất hiện trong nhiều menu nhà hàng Thái ở Việt Nam.
Việc uống trà bắt đầu xuất hiện trong giới hoàng gia Thái Lan vào khoảng cuối thế kỷ 19. Lúc này Thái Lan đã và đang đón nhận văn hoá phương Tây một cách cởi mở. Khi người Thái biết được rằng uống trà là một thói quen quý tộc ở Anh thì giới hoàng gia Thái Lan cũng bắt đầu làm quen với uống trà lạ lẫm này.
Sau khi phục vụ trà, những người hầu ở chốn hoàng cung thay vì bỏ bã trà đi, thì họ lại dùng chính những bã trà ấy để pha tự mình uống. Tuy nhiên trà sau khi đã pha một nước thì hương vị chẳng còn bao nhiêu. Thế nên những người hầu này nghĩ ra cách là thêm vào các loại gia vị và thảo mộc khác, cũng vì thế mà trà sữa Thái ra đời.
Mặc dù vậy thì chẳng có ghi chép chính thức nào cho việc này nhưng có một điều chắc chắn là trà sữa Thái ra đời khi sữa đặc bắt đầu xuất hiện ở đất nước này. Và việc thêm các loại gia vị và thảo mộc có lẽ là do ảnh hưởng của những người gốc Ấn Độ sống ở Thái Lan.
Trà sữa Hong Kong
Một trong những nét nổi bật nhất trong văn hoá ẩm thực đường phố của Hong Kong đó chính là trà sữa (yeet lai cha). Loại hồng trà đậm đà kết hợp với sữa đặc không đường là một phần không thể thiếu của rất nhiều người Hong Kong từ hơn 6 thập kỷ qua.
Trà sữa Hong Kong được ra đời khi thành phố cảng này là thuộc địa của Anh. Vào thời gian này thì trà Anh quốc chỉ được phục vụ ở những nhà hàng và khách sạn hạng sang và tất nhiên là đa phần người Hong Kong không có điều kiện để thưởng thức.
Nhưng sau khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, món trà đen kết hợp với sữa lại được ‘bình dân’ hóa và trở thành thức uống của mọi tầng lớp. Để phù hợp hơn cho túi tiền của mọi người, loại trà đen có giá rẻ (có vị rất đậm) được sử dụng, còn sữa tươi thì thay thế bằng sữa đặc không đường.
Hiện nay, trà sữa Hong Kong là thức uống của mọi giới và mọi lứa tuổi. Loại trà sữa truyền thống là sự kết hợp giữa trà đen và sữa đặc không đường. Người uống sẽ tự thêm đường tuỳ theo sở thích. Còn một loại nữa là kết hợp giữa trà và sữa đặc có đường.
Có thể thấy, xuyên suốt hàng trăm năm, trà và sữa đã trải qua rất nhiều chuyện mới đạt tới vị thế như hiện tại. Bắt đầu từ thói quen của thiểu số (chỉ có thể nghe qua từ một lá thư tỉ tê giữa các quý phu nhân người Pháp), đến cách chống vỡ ly, tách, đến điều hoà hương vị, sau đó được mang đi khắp nơi trên thế giới và phát triển mạnh mẽ như hiện tại. Con đường đến với nhau của sữa và trà gắn liền với nhiều sự chuyển dời, đổi thay, nhưng sau tất cả, hai loại thức uống này vẫn "thuộc về nhau", là thức uống thống trị trong lòng của nhiều người trên thế giới.
Hương Trà