Trà là tên gọi chung, còn nguyên chất chỉ có 5 loại sau: Trà xanh, trà đen (hay còn gọi là hồng trà), trà trắng (bạch trà), trà ô long và trà Phổ Nhĩ. Chúng đều bắt nguồn từ một loài thực vật có tên khoa học Camelia sinensis, thuộc loài cây bụi xuất xứ ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trà chứa các chất chống oxy hóa độc đáo có tên flavonoids. Trong số đó, nổi bật nhất là ECGC – có tác dụng chống các gốc tự do vốn góp phần gây ra bệnh ung thư, tim và xơ vữa động mạch.
Trà Phổ Nhĩ
Trà Phổ Nhĩ là loại trà màu đen có hương vị đậm đà của đất. Nó được đánh giá cao ở Trung Quốc và đã được bảo vệ chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Trà Phổ Nhĩ được chia làm hai loại là Phổ Nhĩ sống và Phổ Nhĩ chín. Theo đó, trà Phổ Nhĩ lên men nhân tạo được gọi là trà chín, có tác dụng giảm cân. Trà chín rất giàu các nguyên tố vi lượng, polypeptide, các axit amin và khoáng chất, giảm thiểu chất kích thích đối với dạ dày.
Còn Trà Phổ Nhĩ sống được lên men tự nhiên trong thời gian dài. Trên thực tế công dụng thanh lọc cơ thể của trà sống là nhờ giàu polyphenol.
Người xưa đã đúc kết lại những hiệu quả đặc biệt của Trà Phổ Nhĩ trong việc phòng chữa bệnh bao gồm: lợi gan, sáng mắt, giúp tinh thần tỉnh táo, bổ não, bồi dưỡng sức khoẻ, có lợi cho tiêu hoá, giải độc, giảm đầy hơi, thanh nhiệt, tan đờm, tan mỡ, phòng bệnh, trừ bệnh, làm đẹp da…
Trà Phổ Nhĩ có chứa caffein giúp kích thích và duy trì sự tỉnh táo, tập trung cho hệ thống thần kinh trung ương, tim và các cơ. Bên cạnh đó, loại trà này cũng được sử dụng để giảm cholesterol nhờ một lượng nhỏ lovastatin.
Trà đen
Trà đen là loại trà phổ biến nhất và có nhiều hương vị khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy rằng trà đen có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, chống ung thư ruột kết và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.
Trà đen có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa suy giảm nhận thức, viêm nhiễm, bệnh tim, tiểu đường và ung thư tiềm ẩn.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng, Sức khỏe & Lão hóa cho thấy, thường xuyên uống trà đen (cũng như trà ô long và trà xanh) có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn nhận thức thần kinh, chẳng hạn như chứng mất trí, ở người cao tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi.
Nếu bạn đang tìm cách chống lại bệnh tiểu đường loại 2, ngoài trà xanh, thì trà đen có thể là một lựa chọn thay thế hiệu quả.
Trà đen cũng chứa flavonoid (hợp chất có trong trà xanh và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác), có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2019 trên tạp chí Nature Communications cho thấy, chế độ ăn giàu flavonoid có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư và bệnh tim.
Trà ô long
Trà ô long là loại trà ở giữa trà đen và trà xanh về màu sắc. Nó có hương vị thơm của trái cây hoặc hoa và mức độ chống oxy hóa cao. Trà ô long là một loại trà bị oxy hóa một phần, nằm giữa trà đen và trà xanh, và nồng độ polyphenol của nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu cho thấy, uống hơn 2,5 tách trà ô long mỗi ngày có liên quan đến mức cholesterol LDL (có hại) thấp hơn, cũng như giảm nguy cơ rối loạn lipid máu.
Một nghiên cứu khác ủng hộ tác động của ô long đối với tim, cho thấy rằng uống trà ô long hoặc trà xanh thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Uống trà ô long cũng hứa hẹn giúp duy trì hoặc đạt được cân nặng khỏe mạnh. Chiết xuất trà ô long có thể giúp giảm mỡ trong cơ thể và có thể giúp ngăn ngừa béo phì.
Trà trắng
Trà trắng (hay bạch trà) là loại trà không được oxy hóa hoặc chỉ được oxy hóa rất ít. Tên gọi xuất phát từ chính ngoại hình của loại trà này: lá trà có một lớp lông tơ màu trắng nhỏ li ti phủ xung quanh.
Bạch trà lấy từ cây trà cổ thụ mọc tự nhiên trên núi cao, thường là những búp trà non nhất. Chính điều kiện sinh trưởng trong khí hậu mát mẻ và trong lành đã tạo nên lá trà với hương vị khác biệt: nhẹ nhàng, tinh tế, ít caffeine. Trà trắng có hương thơm nhẹ nhàng đặc trưng, vị chát nhẹ, thanh nhưng có hậu ngọt.
Trong Trà Trắng có chứa các polyphenol (catechin, theaflavins và thearubigin) có đặc tính chống oxy hóa. Các chất này giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý và tăng đề kháng.
Trà xanh
Trà xanh có rất nhiều polyphenol được gọi là catechin, cụ thể là epigallocatechin-3-gallate (EGCG), được chứng minh là có lợi trong việc chống lại chứng viêm và bệnh mãn tính như một số bệnh ung thư, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.
Trong một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy, uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 33% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 so với uống ít hơn một tách mỗi tuần.
Một nghiên cứu đăng trên JBC cho thấy, EGCG có thể phá vỡ và hòa tan các mảng protein nguy hiểm tiềm ẩn được tìm thấy trong mạch máu, do đó có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, xơ vữa động mạch là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Một nghiên cứu khác cũng phát hiện, những người uống 2-3 tách trà xanh mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 14% so với những người hầu như không uống.
Bên cạnh đó, trà xanh là loại trà giàu chất polyphenol có tên là EGCG. Nó có thể giúp ngăn ngừa một loạt bệnh ung thư, giảm cholesterol, giảm viêm nhiễm và tăng cường khả năng miễn dịch.