Một chén trà ngon phải đảm bảo chiều được cả vị giác, thị giác và thính giác của người dùng trà. Một ấm trà ngon sẽ có màu nước xanh trong anh ánh vàng, vị chát vừa phải, hậu vị ngọt lắng nhẹ nhàng nơi cổ họng mà sâu lắng tận trái tim, cùng với đó là hương cốm non thơm ngầy ngậy, beo béo như mùi lúa mới chín trong tiết trời mùa thu.
Để có được chén trà thơm ngon như vậy thì không thể nào bỏ qua bước lên hương trà hay còn gọi là “đánh mốc trà” đây bước cuối cùng trong quy trình chế biến trà, trước khi được đóng gói xuất bán ra thị trường.
Khi sao khô búp trà sẽ có mầu xanh đen, bước lên hương sẽ khiến búp trà khô kiệt 100% và chuyển dần từ mầu xanh đen sang mầu tro hay mầu hơi bang bạc, người làm trà gọi đó là trà đã chín lõi.
Bà Dương Thị Bình, một trong những nghệ nhân hơn 40 năm kinh nghiệm, là thành viên HTX trà an toàn Phú Đô chia sẻ: Không phải ai cũng có thể lấy được hương trà ngon và mỗi người lấy hương sẽ mang hương khác nhau tùy vào kinh nghiệm, sở thích của người dùng trà mà nghệ nhân sẽ lên hương cho hợp khẩu vị.
Ngoài ra, hương trà còn phụ thuộc vào giống chè và loại trà để có thời gian lên hương khác nhau, thường sẽ giao động từ 40 phút đến hơn một tiếng. Điều quan trọng nhất là nhiệt độ trong lò quay phải cảm nhận bằng kinh nghiêm của nghệ nhân, ở giai đoạn này trà đã khô kiệt nên cần phải rất cẩn trọng chỉ cần sơ sẩy để nhiệt cao sẽ khiến trà bị cháy làm cho trà có vị đắng mạnh và mầu nước kém đẹp, nhưng nếu non lửa hay lửa không đủ nhiệt sẽ khiến trà không bật được hương thơm tự nhiên vốn có của nó, nên bước lên hương trà này còn được gọi là “một nghệ thuật”.
Kinh nghiệm của nghệ nhân cho thấy, nhiệt phải được tăng giảm đều đều không được tăng giảm một cách đột ngột. Như vậy, mới có được mẻ trà thơm ngon, ưng ý. Sau khi lên hương nước trà không bị đổi màu so với trà thành phẩm của quá trình sao khô. Trà có vị chát nhẹ, không đắng mạnh khi được pha, cánh trà lúc này nhỏ gọn, săn chắc khi chúng ta nắm chặt tay một nắm trà búp khô và đưa sát lên mũi hà hơi rồi hít từ từ khi đó sẽ cảm nhận được hương thơm cốm non của trà, như vậy là trà đã lên hương đạt chuẩn.
Giống chè sẽ quyết định tới hương thơm đặc trưng vốn có và màu nước của trà cũng vậy, hương thơm cốm non thường có ở giống chè trung du hay còn gọi cây chè ta và hương cốm sen có ở giống chè cành như: LDP1, Long Vân, Kim Tuyên....
Hiện nay, có rất nhiều giống chè được lai tạo nhưng mầu nước đặc trưng của trà chuẩn hữu cơ là mầu xanh anh ánh vàng, trong đó mầu vàng là chiếm chủ đạo. Sự thật chất của trà khi lên hương mà không ướp hương hoa hay chất tạo hương, tạo màu công nghiệp, thì người thưởng thức mới cảm nhận hết được giá trị hương vị thuần túy của đất, của trời, được hòa quyện với sự tần tảo sớm hôm của những đôi bàn tay người nông dân các dân tộc sứ trà giành tặng cho người yêu trà trên mọi miền tổ quốc.
Trong từng chén trà, người yêu trà, thưởng trà được thức tỉnh bởi vị chát ngay đầu lưỡi và trả lại bằng vị ngọt hậu sâu trong cổ họng và hương thơm kéo dài trong khoang miệng, để mỗi ai khi uống trà hữu cơ Phú Đô - Thái Nguyên là không thể nào quên được hương vị đặc biệt này.
Hoàng Tuấn