Tìm hiểu về trà măng - Đặc sản tinh tế của núi rừng Tây Bắc

Với hình dáng độc đáo và hương vị tinh tế, trà măng là đặc sản mà tạo hóa ưu ái dành tặng cho vùng đất sương gió Tây Bắc.

Trong cuốn Trà Kinh, tác giả Lục Vũ có viết “Trà hoang dã tốt nhất, trà trồng vườn là thứ phẩm. Trà tốt mọc sườn núi dốc, ẩn trong rừng. Trà tím ngon nhất, xanh kém hơn. Măng trà ngon nhất, trà búp kém hơn”.

Tìm hiểu về trà măng - Đặc sản tinh tế của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 1

Trà măng hay còn được gọi là trà móng rồng, trà búp tím. Nó có tên khoa học là Camellia sinensis var.dehungensis. Trên bản đồ trà Việt, trà măng là giống hiếm hoi sinh trưởng trong rừng nguyên sinh ở Hà Giang, Lai Châu, chưa từng qua gieo trồng, chưa có người sở hữu. Dòng trà này được phát hiện ở Việt Nam vào những năm 2010. Đặc tính độc đáo của giống trà này là môi trường sống hoang dã, ẩn trong các cánh rừng nguyên sinh có cao độ trung bình trên 1.500 m so với mực nước biển. Cũng bởi sinh trưởng nơi khắc nghiệt, quanh năm sương lạnh, độ ẩm, sương mù dày đặc, tiếp cận được những gốc trà măng cao ngất dưới tán rừng nguyên sinh là hành trình chưa bao giờ dễ dàng.

Lý giải làn hương đặc biệt của trà măng, trước tiên phải nói về tính đầu dòng, nguyên bản của cây trà. Đất trời ưu ái ban cho vùng rừng núi rậm rạp dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi cây trà măng, vùng núi ấy cũng là nơi khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, độ lạnh cao, sương mù dày, gió lớn quanh năm.

Cây trà mọc trên đá, nép trong các sườn núi dốc, âm u, rêu mốc phủ dày từ mặt đất, lan kín lên thân cây trà. Sự khắc nghiệt của thời tiết và thổ nhưỡng tạo cho trà măng một bản tính mãnh liệt, hấp thụ được dưỡng chất từ đất đá và sương núi, vụ trà lại chỉ ra trong mùa đông, và theo kinh nghiệm của những người hái trà, năm nào tiết trời càng lạnh giá, hương măng trà càng thêm mãnh liệt. 

Tìm hiểu về trà măng - Đặc sản tinh tế của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 2
Tìm hiểu về trà măng - Đặc sản tinh tế của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 3

Búp trà như búp măng tre, măng trúc thu nhỏ. Ưu điểm nổi bật nhất của măng trà là hương. Mỗi mỗi lượt nước pha, lại toát lên dải hương phức tạp, nhưng đầy quyến rũ. Trà măng tím mạnh hương hoa hồng, măng trắng có hương hoa lan nổi trội, các dòng măng xanh, vàng, đỏ, đen… lại thấy cả mùi thơm quả chín, mùi trầm hương… Trà pha rất được nước, nhiều thử nghiệm ở lượt nước thứ 30 vẫn giữ được mùi hương thơm, đây thực sự là một sự kỳ diệu mà tạo hóa mang lại cho dòng trà cổ này. 

Chế biến trà búp măng thấy đơn giản nhưng lại cực kỳ mất thời gian, một mẻ trà búp từ khi thu hái đến khi hoàn thiện cũng phải mất hơn một tháng bởi quá trình làm héo những búp trà cũng mất cả tháng ròng rã. Trà năng nổi tiếng với độ cứng và búp trà đóng chặt, nếu quá trình làm héo cho trà thoát hơi nước nhanh thì hương cũng từ đó là mất đi, nếu làm trà héo chậm thì trà sẽ đọng lại nước, lên men khi uống ở nước thứ 3-4 sẽ cảm nhận được vị chua mà hương cũng sẽ không còn. Bởi vậy để cho ra một mẻ trà măng ngon thì quá trình chế biến khá công phu và vất vả. Trung bình mỗi người trà thợ đi rừng hái búp trà măng chỉ được khoảng 200g do vậy mà chế biến loại đặc sản Tây Bắc này lại càng khó gấp bội. 

Theo kinh nghiệm của người dân, để trà được nước, dậy hương khi thành phẩm thì phải sử dụng kỹ thuật hong, ủ, đều bằng phương pháp tự nhiên, hoàn toàn không qua can thiệp của nhiệt độ, lò sấy, khi thủy phần trong trà chỉ còn dưới 7% là hoàn thiện. Ở phần nội chất, măng trà có hàm lượng acid amin, catechin, hợp chất ECCG (một loại polyphenol tự nhiên trong trà) cao hơn trà đen, trà xanh công nghiệp, nhưng thấp nhiều so với trà Shan tuyết cổ thụ.

Hai mẫu thử trà măng tím, măng xanh được Hiệp hội Chè Việt Nam khảo sát năm 2020 cho thấy lượng catechin ở trà măng tím 0,05, măng xanh 0,34, trong khi trà Shan cổ thụ Tà Xùa >7, trà Tủa Chùa (Điện Biên) >10. EGCG ở măng tím 1,08, măng xanh 2,72, EGCG trà Shan cổ thụ dao động trong dải từ 5 - 9.

Trà măng nay đã được nhiều người yêu trà tiếp cận. Các vùng núi Hà Giang như Quản Bạ, Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, rồi Lai Châu với Mồ Sì San, Tả Lèng… đều phát hiện giống trà cổ này. Theo các nghiên cứu thì dòng trà đặc sản này thường chỉ có ở vùng núi có độ cao trên 1500m so với mực nước biển, nơi đây sương mù bao phủ quanh năm, những cây chè cổ thụ to lớn và cao vút, 2 người ôm không xuể. Những cây trà móng rồng phát triển tự nhiên và không có bất kỳ tác động nào của con người trong quá trình sinh trưởng của chúng. Loại trà này chỉ phát triển vào mùa đông, tiết trời càng lạnh giá càng khắc nghiệt thì phẩm trà càng ngon, hương thơm càng đặc biệt.