Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 718,72 triệu USD, chiếm 42,64% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 676,29 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành vận tải kho bãi và xây dựng với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là hơn 82,92 triệu USD và 63,7 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Chiếm hơn 64% vốn FDI đăng ký cấp mới của cả nước trong tháng đầu năm, Bắc Giang đã trao hàng loạt giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp có dự án trên địa bàn. Thu hút vốn đầu tư đạt 795,9 triệu USD, gấp 11,79 lần so với cùng kỳ năm 2022
Trong đó, dự án nhà máy công nghệ chính xác Fulian của doanh nghiệp Singapore, và dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của nhà đầu tư từ Trung Quốc có vốn đầu tư hơn 760 triệu USD.
Hiện toàn tỉnh có 77 doanh nghiệp được thành lập, tăng 12%, vốn đăng ký 5.638 tỷ đồng, gấp 9,2 lần số vốn đăng ký so cùng kỳ.
Để tăng cường thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh ngay từ đầu năm. Thực hiện linh hoạt, đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho kế hoạch sản xuất kinh doanh sau Tết.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đứng vị trí thứ hai cả nước với lượng vốn FDI đăng ký cấp mới 131,56 triệu USD của 29 dự án; đồng thời điều chỉnh tăng vốn gần 78 triệu USD cho 22 dự án. Tính đến ngày 20/2, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho gần 1.850 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh hơn 23,56 tỷ USD.