Xuất khẩu chè giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 6 năm 2022 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 24 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2022 đạt 54 nghìn tấn và 94 triệu USD, giảm 6,4% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 41,4 nghìn tấn, trị giá 69,9 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.689,0 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, chè xuất khẩu tới thị trường Pa-ki-xtan tăng cả về lượng và trị giá, đạt 14,4 nghìn tấn, trị giá 27,5 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tới thị trường Pa-ki-xtan chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu chè tới một số thị trường khác tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong 5 tháng đầu năm 2022 như: Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và In-đô-nê-xi-a.
Trong khi đó, xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan, Nga, I-rắc và Trung Quốc giảm mạnh. Trong đó, chè xuất khẩu tới thị trường Đài Loan đạt 5,5 nghìn tấn, trị giá 9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là thị trường Nga đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 6 triệu USD, giảm 38,2% về lượng và giảm 30,2% về trị giá; I-rắc đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 3,7 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 11,4% về trị giá…
Nhìn chung thị trường chè trong nước và cả thế giới 6 tháng đầu năm bị tác động lớn sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu kể từ cuối tháng 2. Nga là nhà nhập khẩu chè lớn trên thế giới và nằm trong top những thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Nga đã giảm đáng kể từ sau xung đột, dù lượng chè xuất khẩu sang một số thị trường khác tăng mạnh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm chung của mặt hàng chè.
Thị trường chè thế giới tháng 6/2022: Giá chè tiếp tục đi xuống
Tại Ấn Độ, giá chè tại phiên đấu giá của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA) có phiên giảm thứ 9 từ ngày 23/4 đến 18/6, với mức giá trung bình tháng 6 ở mức 82,34 Rs/kg, giảm 7,1% so với tháng 5.
Trong báo cáo hàng quý mới nhất về chè, Ủy ban Chè Ấn Độ (ICRA) đã nhấn mạnh rằng giá của các loại chè mùa mới đã thể hiện xu hướng trái chiều trong các cuộc đấu giá gần đây. Trong khi giá của các loại trà orthodox đã tăng lên đáng kể, thì giá của các loại trà CTC (nghiền, xé, cuộn) phần lớn đã chứng kiến xu hướng giảm nhẹ. Giá chè orthodox ở Ấn Độ đã bắt đầu ổn định và dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trong tương lai do sản lượng giảm ở Sri Lanka, nước xuất khẩu chè chính thống lớn nhất trên thị trường toàn cầu.
Tương tự, phiên đấu giá trà Mombasa hàng tuần vẫn ở dưới mức giá dự trữ do chính phủ quy định là 2,43 USD/kg, áp dụng phần lớn cho Cơ quan Phát triển Chè Kenya (KTDA), với một kg bán ở mức giá trung bình trong tháng là 2,25 USD/kg. Giá chè đã được bán dưới mức giá tối thiểu trong 16 tuần qua, dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân vào cuối năm tài chính này. Ngành chè Đông Phi đang bị đe dọa bởi hoạt động kém hiệu quả khi hai thị trường chính là Nga và Ukraine vẫn đóng cửa.
Nga tăng cường thu mua chè từ Ấn Độ, thậm chí trả cao hơn
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ tháng 2 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu chè của Ấn Độ sang Nga. Nga đã tăng lượng tiêu thụ chè Ấn Độ và nhu cầu từ nước này tăng lên đã khiến giá chè chính thống - chè rời được sản xuất theo cách truyền thống tăng vọt lên tới 50%.
Theo Báo cáo của Tổ chức Công bằng Thương hiệu Ấn Độ chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2021-2022, Nga đã nhập khẩu 32,5 triệu kg chè từ Ấn Độ. Tuy nhiên, xuất khẩu chè của Ấn Độ sang Nga đã giảm 10% từ tháng 1 đến tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, do cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Giá chè CTC chất lượng tốt cũng đã tăng tới 40% do Nga cũng tiêu thụ loại chè này.
Bảo Anh