Tinh hoa văn hóa Việt trong khay mứt ngày Tết

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm. Đó là khi nhà nhà cùng chuẩn bị những thức quà truyền thống dịp Tết, chào đón một năm mới đong đầy, hạnh phúc. Và mứt Tết chính là sự hòa trộn của những hương vị ngọt, bùi, chua, cay, trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi dịp Xuân về.

Mỗi độ Tết đến, các gia đình đều sắm sửa cho mình một khay mứt Tết truyền thống hội tụ đủ các hạt dưa, mứt sen, dừa, quất, gừng, cam… pha trộn với đa dạng màu sắc và hương vị. Đó là màu trắng tinh khôi của những sợi mứt dừa, màu đỏ rực rỡ của những miếng mứt mận hay màu vàng óng ả của mứt hạt sen. Theo đó, nhiều loại mứt sẽ cùng được trưng bày trên một khay đựng mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt với hy vọng về một năm sum vầy, hạnh phúc và viên mãn của gia chủ.

Theo Đông y, Tết là khoảng thời gian có nền nhiệt thấp, thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể dẫn tới khí huyết kém lưu thông, trì trệ. Các căn bệnh dễ dàng xâm nhập và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đặc biệt đây còn là thời gian dễ dàng làm chúng ta “mất cảnh giác” với vấn đề sức khỏe của bản thân. Theo đó, các loại mứt không chỉ mang những hương vị riêng mà chúng cũng có khả năng cải thiện sức khỏe của mỗi người. Những loại mứt người Việt ưa chuộng dịp Tết còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh riêng mà ít ai biết được.

Mứt dừa

Trong tiềm thức của biết bao thế hệ người Việt, ta nhớ tới khung cảnh của những cành đào, cây quất, cây mai và điều đặc biệt là hộp mứt lục lăng gói trong giấy bóng kính thắt nơ đã trở thành một biểu tượng ngày Tết. Bên trong nó là những loại mứt khác nhau được trưng bày như hình một bông hoa rực rỡ sắc màu. Hình ảnh mứt dừa đã trở nên quen thuộc với mỗi gia đình dịp Tết. Nếu thời xưa mứt dừa chỉ có sắc trắng truyền thống, thì ngày nay người làm đã biến tấu chúng với nhiều màu sắc bắt mắt. Màu xanh lá đến từ lá dứa, màu xanh ngọc đến từ sắc hoa đậu biếc, màu đỏ đến từ củ dền, màu vàng đến từ bột nghệ… Cảm giác thưởng thức mứt dừa dai dai, hương vị ngọt bùi khi được sên với đường tạo nên một mĩ vị lôi cuốn.

Mứt dừa mang ý nghĩa như một hy vọng quây quần, hạnh phúc cho cả gia đình trong dịp năm mới. Thậm chí, loại mứt này còn được coi như một “vị thuốc” giúp giải nhiệt cơ thể nhờ đặc tính thanh mát vốn có của dừa.

Mứt dừa tượng trưng cho sự quây quần, hạnh phúc
Mứt dừa tượng trưng cho sự quây quần, hạnh phúc

Mứt gừng

Vốn là một dược thảo dễ dàng tìm thấy trong căn bếp mỗi gia đình, củ gừng có tác dụng làm ấm người, kích thích quá trình tiêu hóa, giải độc cơ thể và đặc biệt phù hợp với thời tiết se lạnh ngoài Bắc. Có lẽ vậy, mứt gừng được chế biến tỉ mỉ nhưng vẫn mang hương vị nồng ấm, cay nhẹ đặc trưng pha với chút ngọt của đường khiến hương vị như được cân bằng một cách hoàn hảo.

Người xưa thường có câu “gừng cay, muối mặn” thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt giữa người với người. Bởi vậy, mứt gừng như tượng trưng cho một cuộc sống đầm ấm, tràn ngập yêu thương trong năm mới.

Mứt gừng mang ý nghĩa về một năm đầm ấm
Mứt gừng mang ý nghĩa về một năm đầm ấm

Mứt hạt sen

Sự tao nhã, tinh tế của bông hoa sen được coi là quốc hoa của người Việt như được kết tinh trong hương vị của loại mứt này. Vị thanh mát, bùi bùi đem đến cảm giác thích thú cho người thưởng thức. Hình ảnh những hạt mứt sen tròn trịa, bọc đường trắng bên ngoài ẩn chứa thông điệp về một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà.

Mứt hạt sen tượng trưng cho sự sum họp trong năm mới
Mứt hạt sen tượng trưng cho sự sum họp trong năm mới

Mứt quất

Xuất phát từ hình ảnh tượng trưng cho ngày Tết cổ truyền dân tộc, cây quất không chỉ được trang trí trong nhà mà những trái quất vàng ươm còn được chế biến thành một món mứt. Ngay khi ngậm một miếng sẽ cảm nhận ngay vị tê nhẹ đầu lưỡi, kích thích cảm giác của người thưởng thức. Hương vị chua dịu, ngọt sắc từ bên trong tạo nên cảm giác ấm nồng. Màu sắc óng ả và những cánh hoa được tạo hình từ quả quất khi chế biến mứt thể hiện sự may mắn, an lành và tài lộc cho một năm mới.

Không chỉ đặc biệt bởi hương vị, mứt quất còn giúp kích thích tiêu hóa và giữ ấm cơ thể trong thời tiết se lạnh giữa ngày xuân.

Mứt quất tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc
Mứt quất tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc

Mứt bí

Mứt bí sở hữu một hương vị tươi mới bởi lớp mứt dẻo thơm mùi bí đao bên trong, hòa quyện với vị ngọt từ đường trắng bọc bên ngoài. Mặt khác, loại mứt này còn ẩn chứa về hy vọng một năm tràn đầy sức khỏe và sự phát triển cho gia chủ. Với đặc tính mát của bí đao, mứt bí còn mang công dụng như một “dược thảo” lợi tiểu, tiêu độc cho những cuộc vui, nhậu nhẹt ngày Tết.

Mứt bí mang thông điệp về một năm phát triển và mạnh khỏe
Mứt bí mang thông điệp về một năm phát triển và mạnh khỏe

Mứt cà chua

Những trái cà chua đỏ mọng, tròn trĩnh được chế biến thành một loại mứt ngày Tết mang hương vị phong phú chua, ngọt. Chính bởi sắc màu nổi bật mà mứt cà chua mang ý nghĩa của sự may mắn, phú quý và tài lộc trong một năm mới rực rỡ. Theo đó, các gia đình Việt rất ưa chuộng loại mứt này bởi thông điệp đặc biệt của chúng.

Mứt cà chua tượng trưng cho một năm may mắn, tài lộc đầy nhà
Mứt cà chua tượng trưng cho một năm may mắn, tài lộc đầy nhà

Thưởng mứt dịp Tết

Để thưởng thức một cách trọn vẹn sự kết tinh trong hương vị của mứt Tết lại là cả một nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt luôn đặt mứt đi chung với trà bởi sự bùng nổ hương vị nằm ở cách thức kết hợp hoàn hảo giữa chúng. Sau khi cắn miếng mứt mang vị ngọt, thơm, ta lại thèm một chút cảm giác đắng nhẹ của trà để làm cân bằng lại vị giác và nó lan tỏa hương vị ngọt dịu được đọng lại một cách đầy tinh tế.

Thưởng trà mứt là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền
Thưởng trà mứt là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền

Bên cạnh mỗi khay mứt, tách trà nóng hổi là những câu chuyện vui của các thành viên trong gia đình về một năm đã qua, về những hy vọng ấp ủ trong năm mới. Đó sẽ là khoảng thời gian trân quý để chúng ta thêm phần thấu hiểu và yêu thương.

Thu Quỳnh