Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong công tác truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp công đoàn đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới và nâng cao nhận thức của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động về vai trò, vị trí, trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe đại diện các gia đình chia sẻ một số nội dung liên quan đến gia đình như: Làm thế nào để một gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc vui vẻ; Bí quyết để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Gia đình của nữ lao động di cư với những khó khăn, thách thức đang đối diện; Công tác chăm lo, hỗ trợ cho gia đình nữ lao động di cư nuôi con nhỏ của tổ chức công đoàn để để các chị yên tâm lao động, đóng góp cho xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; Vấn đề chăm lo, nuôi dạy con cái trong giai đoạn hiện nay… Mỗi câu chuyện chia sẻ của các lao động nữ là một cách làm sáng tạo, là sự tận tụy cống hiến và tâm huyết của các chị trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Các chị không chỉ làm tốt vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trong công việc cơ quan, đơn vị mà còn luôn ý thức vượt khó vươn lên xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng để thành tấm gương sáng cho các thành viên trong gia đình, từ đó góp phần hình thành, vun đắp những giá trị tốt đẹp của con người, của gia đình Việt Nam.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chia cho rằng “điều kiện để gia đình hạnh phúc thì mỗi gia đình cần đảm bảo 3 yêu tố “no ấm - hạnh phúc - tiến bộ” và những đức tính “công - dung - ngôn - hạnh” là đức tính cần có của mỗi người phụ nữ luôn được phát huy và lưu truyền theo từng thế hệ”.
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, đồng chí Đồ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn khẳng định vai trò quan trọng của nữ công nhân, viên chức, người lao động trong quá trình xây dựng gia đình hạnh phúc. Và để gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Ban nữ công Công đoàn các cấp cần trao đổi kinh nghiệm, lựa chọn những giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương, của ngành để áp dụng vào chỉ đạo và triển khai các hoạt động trong công tác gia đình đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục có nhiều đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động về công tác gia đình, tuyên truyền đến toàn thể công nhân, viên chức, người lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuât về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng nếp sống gia đình hiện đại nhưng vẫn giữ gìn, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam theo 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình “Tôn trọng - bình đẳng - yêu thương - chia sẻ”.
PV