Tổng cục Hải quan: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành hải quan

Trong năm 2024, toàn Ngành Hải quan đã quyết tâm thi đua và cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với chủ đề: “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Hải quan” và phong trào thi đua giai đoạn 2024 - 2025: “Chung sức, đồng lòng thi đua lập thành tích hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Hải quan Việt Nam và Đại hội Đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VII”.

Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam

 Phóng viên: Tổng cục trưởng có thể khái quát những đóng góp nổi bật của công tác hải quan vào thành tựu chung của ngành Tài chính và của đất nước trong năm 2024?

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam: Năm 2024 là thời điểm kỷ niệm 79 năm xây dựng và trưởng thành của Hải quan Việt Nam. Thời điểm lịch sử ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gian thu”- tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Sự kiện này khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của lực lượng Hải quan đối với sự tồn tại và phát triển của chính quyền nhà nước, khẳng định chủ quyền quốc gia về kinh tế đối ngoại của nước ta.

Năm 2024, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác quản lý hải quan và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 105 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước tính thặng dư 23,75 tỷ USD. Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Để đạt được kết quả đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, nâng cao hiệu quả của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Tiếp tục là đầu mối tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ đẩy mạnh cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hải quan theo hướng cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại; tích cực triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ; Triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu để tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản – mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Thứ hai, công tác thu NSNN cũng đạt kết quả tích cực. Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 là 375.000 tỷ đồng.

Thứ ba, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là công tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, an ninh an toàn cộng đồng.

Thứ tư, Tổng cục Hải quan đã thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế với vai trò là thành viên của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, sự kiện Hải quan Việt Nam chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 đã khẳng định vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam nói riêng, Việt Nam nói chung trong khu vực và thế giới. Đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Năm 2024, Tổng cục Hải quan ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Hải quan Hàn Quốc; ký Kế hoạch hành động với Hải quan Trung Quốc về công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên; ký Tuyên bố Ý định với Hải quan Hoa Kỳ về tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc thiết lập Chương trình trao đổi dữ liệu hàng hóa điện tử với nước ngoài.

Thứ 5, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương thực hiện theo đúng chỉ đạo, định hướng về sắp xếp tổ chức bộ máy của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài chính và đã báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức trong ngành hiểu đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo triển khai thực hiện ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.

Ngành Hải quan trong giai đoạn tới sẽ cải cách toàn diện công tác hải quan để đạt được mục tiêu đổi mới, cải cách, hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Theo Tổng cục trưởng những thách thức và thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về hải quan hiện nay là gì?

Quá trình xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam có được thuận lợi khi luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện đầu tư về nguồn lực, cơ sở vật chất; bên cạnh đó là sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế những năm gần đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành Hải quan phát huy năng lực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình.

Đặc biệt là ngành Hải quan luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động các thế hệ trong việc xây dựng Ngành.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chủ động xác định, giai đoạn hiện nay và thời gian tới, toàn Ngành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do khối lượng công việc ngày một lớn. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có bất ổn chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; bên cạnh đó thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề cả trong nước và thế giới.

Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.

Mặt khác, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất nhập khẩu; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ kéo theo những thay đổi về phương thức giao dịch trong thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại điện tử đặt ra những thách thức và yêu cầu hết sức nặng nề với ngành Hải quan trong việc vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh, an toàn cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện có những vướng mắc, khó khăn về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực biên chế còn thiếu đối với ngành Hải quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh đó, ngành Hải quan tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao độ để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Năm 2025 ghi dấu 80 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2025) và cũng là năm tổ chức Hội nghị Đại biểu điển hình tiên tiến ngành Hải quan lần thứ VII, vậy yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với toàn Ngành là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Năm 2025 đánh dấu sự kiện đặc biệt, là năm kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của ngành Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2025). Ngành Hải quan sẽ triển khai các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, hun đúc tình cảm gắn bó, ý thức trách nhiệm của công chức trong xây dựng, phát triển, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành Hải quan trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đóng góp xứng đáng vào việc bảo vệ lợi ích, chủ quyền và phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế - xã hội đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành Hải quan. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phấn đấu đạt nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 80 năm, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác hoạt động của ngành.

Bước sang năm 2025, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, khối lượng công việc ngày càng lớn, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quyết liệt triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân.

Thứ hai, tập trung nguồn lực rà soát, đề xuất và tổ chức triển khai xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác hải quan, cụ thể: 08 Luật, 61 Nghị định, 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 83 văn bản cấp Bộ và 373 quy trình nghiệp vụ.

Thứ ba, tập trung nguồn lực làm tốt các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 đã đặt ra, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt công tác thu ngân sách nhà nước và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới.

Thứ tư, tập trung đảm bảo vận hành ổn định hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT vệ tinh thông suốt, đảm bảo các yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, trình Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống CNTT để thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh.

Thứ năm, tập trung hoàn thành dự án xây dựng trụ sở cơ quan Hải quan tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực để triển khai nhiệm vụ ngay khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!