Tham dự hội nghị có các ông: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Bùi Đức Hinh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, hội nhà báo, liên chi hội và chi hội trực thuộc trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn và nghiệp vụ.
Nổi bật là các quyết định, chương trình, đề án hỗ trợ các tác phẩm báo chí mà gần đây nhất là Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025”.
Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm.
Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây.
Trải qua 17 năm tổ chức, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Trao đổi về chất lượng Giải báo chí Quốc gia, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam cho biết thêm Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Theo Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự hội tụ các phương tiện truyền thông, thì thể loại báo điện tử trên mạng Internet đã trở thành đội quân tiên phong, chiếm lĩnh “trận địa thông tin” nhờ đặc thù trực tuyến (online), sự tương tác mạnh mẽ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rộng rãi đến công chúng.
Hội nghị đã đặt ra những giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.
Hội nghị cũng đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn mới và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023-2024.
Theo Hội nhà báo Việt Nam, Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đã có tác dụng động viên, khích lệ lớn đối với các hội viên, nhà báo.
Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước.
cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Nhiều nhà báo cho rằng, đối với những cơ quan báo chí còn eo hẹp về kinh phí hoạt động thì đây là một nguồn hỗ trợ rất quan trọng. Còn với những cơ quan thuận lợi về tài chính thì đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn…,
Chương trình cũng tạo điều kiện cho các Hội Nhà báo các cấp có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung Chương trình, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A, B, C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.
Các đại biểu đã tập trung tham luận 5 vấn đề quan trọng, gồm: Đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; Phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; Việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; Việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, hội nghị đã tiếp tục khẳng định Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã được cơ quan chuyên môn nghiệp vụ các cơ quan trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thành công. Hội nhà báo Việt Nam ghi nhận các ý kiến và sẽ ban hành các quy định một cách khoa học, hiệu quả đến các cấp Hội. Hội Nhà báo Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Hội Nhà báo Việt Nam có gần 25 nghìn hội viên, nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
PHI LONG/VPTB