Nếu ngày xưa các cụ hiểu trà, trước khi thưởng trà thường tìm hiểu rất kỹ về nguồn gốc xuất xứ, cách trồng, chăm sóc, chế biến thì ngày nay học theo các cụ, hiểu trà vẫn chưa đủ. Bởi có rất nhiều loại trà đầy rẫy trên thị trường. Tuy nhiên, có thể săn lùng được những cánh trà ngon hay không còn phụ thuộc vào cái tâm của người trồng, người chế biến, người thương lái… và sự "thông thái" của người tiêu dùng.
Quan sát bên ngoài
Phân biệt trà sạch và trà bẩn đơn giản nhất là cảm quan bên ngoài. Những gói trà sạch luôn đầy đủ nhãn mác, bao bì được đóng gói cẩn thận. Bên cạnh đó là những chứng nhận sản phẩm chất lượng từ các đơn vị xác thực. Ngoài ra, người tiêu dùng nên chú ý đến những chi tiết như: búp trà, lá trà.
Những gói trà chất lượng thì búp trà thường nhỏ và đều nhau. Búp chè không có vị quá gắt và đẹp mắt. Lá chè chất lượng thường mỏng, có gân nhỏ và không bị vỡ vụn. Còn những loại trà kém chất lượng thì khi nếp thử các búp chè bạn sẽ cảm thấy vị đắng, hăng ở cổ. Các búp chè, cánh chè rất dễ bị vỡ vụn, có màu nâu xỉn, không bắt mắt. Ngoài ra, trà bẩn nếu trộn với các bã chè đã qua sử dụng, khi nhâm thử vài búp thì sẽ có vị nồng, chát nhẹ, rất nhạt, ít thơm và trà bị vụn nhiều vì trộn với bã trà cũ.
Khi pha trà
Đầu tiên, bạn hãy thả trà vào ấm để tráng trà. Nước sôi già, đổ vào lưng ấm hoặc ở một mức nước bạn cảm thấy phù hợp để tráng trà. Mục đích của việc tráng trà chủ yếu là để làm sạch trà, rửa bỏ những chất cặn bẩn và bụi, các thành phần tạp chất… Sau đó trong vòng 5 - 10 giây các bạn đổ nước tráng đi.
Nếu khi đổ nước sôi rửa vào ấm mà ngay trong những giây đầu tiên, chúng ta nhận thấy nước vẫn có màu trắng trong thì đó chính là trà sạch - trà ngon, không bị trộn tạp chất. Ngược lại, ngay khi vừa đổ nước sôi vào trà đã chuyển màu, (phổ biến nhất là màu xanh hơi đục) rất nhanh trong 2 - 3 giây đầu thì đó chính là trà bẩn đã bị lẫn tạp chất, các thành phần nhuộm, phụ gia và nhiều loại chất nguy hại khác như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích để phun lên trà, khi sao sấy, sơ chế và đóng gói thì trộn thêm cả bùn, phân lân và đạm vào trà để tăng thêm trọng lượng…
Ngoài ra một cách khác để nhận biết trà bẩn là khi rót trà vào chén để uống, với trà bẩn chúng ta có thể trông thấy các chất cặn đọng dưới đáy chén. Trong khi đó, với các loại trà ngon - trà sạch thì không hề có cặn, nước rất trong.
Khi uống trà
Trà bẩn nước thường đục, nhiều cặn, không có mùi, nước uống có vị chát đắng, hơi gắt, uống xong cảm thấy khé cổ, khé cổ ở đây là do phẩm chất của trà: nhiều lá và cành già, pha thêm chất tạo màu, một số tạp phẩm để tăng trọng lượng. Trà bẩn để trong cốc khoảng 2 giờ sẽ đổi màu sẫm đặc và có màu đen kết lại thành vành trên thành chén. Bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy hầu hết trà gói không nhãn mác khi uống sẽ có vị ngọt lợ ở lưỡi. Đó chính là chất hóa học tạo ngọt đánh lừa vị giác của người uống. Trong khi đó vị ngọt đặc trưng của trà sạch rất thanh. Đặc biệt là nếu mức độ thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều thì sau khi uống sẽ có cảm giác hơi đau bụng - mức độ đau nhiều hay ít là tùy thuộc lượng thuốc và lượng trà bạn uống.
Di Linh (t/h)