Từ xa xưa nhiều truyền thuyết và ghi chép đã cho rằng trà là phương thuốc quý chữa bách bệnh. Sau này, dưới con mắt và hướng tiếp cận của khoa học, thì hầu như dược tính đã được nhắc đến trong các truyền thuyết gần như đã được minh chứng. Hàng loạt những công trình nghiên cứu chỉ ra sự tác động tích cực từ trà lên cả tinh thần và thể chất con người.
Theo sách Từ điển Y học Việt Nam của nhà Sinh học Võ Văn Chi: “Chè có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, định thần, làm cho đầu não được thư thái, da thịt mát mẻ, khỏi chóng mặt xây xẩm, bớt mụn nhọt, và cầm tả lỵ.Chè đã được sử dụng hơn 2000 năm trước Công nguyên. Do có cafein và theophyllin, chè là một chất kích thích não, tim và hô hấp. Nó tăng cường sức làm việc trí óc và của cơ, làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hòa nhịp đập của tim. Nó cũng lợi tiểu, làm dễ tiêu hóa. Sự có mặt của các dẫn xuất polyphenolic làm cho tác dụng của chè đỡ hại hơn và kéo dài hơn là cafein. Các flavonol và polyphenolic làm cho chè có tính chất của vitamin P. Tuy vậy, nếu sử dụng kéo dài với liều cao, chè có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện bởi sự mất ngủ, sự gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, có rối loạn thần kinh.Thường được dùng trong các trường hợp: tâm thần mệt mỏi, ngủ nhiều; đau đầu, mắt mờ; sốt khát nước; tiểu tiện không lợi; ngộ độc rượu. Dùng ngoài, nấu nước rửa vết bỏng hay lở loét thì chóng ra da và lên da non”.
Sáng mắt: Giúp thư giãn cho đôi mắt đã mệt mỏi sau ngày dài làm việc, hay sự sảng khoái sau giấc ngủ vùi. Khi uống xong chén trà, chiếc chén trên tay còn ấm nóng, hãy nhắm mắt lại, và chườm chiếc chén ấy lên mắt, đến khi chén nguội thì dừng. Hoặc dùng bã trà đắp lên mắt, sau vài tuần, bạn sẽ thấy bọng mắt và quầng thâm giảm, sự căng thẳng, mệt mỏi của đôi mắt cũng dần dịu đi rồi biến mất.
Hỗ trợ cơ thể đào thải độc: Trà có tính lợi tiểu vì nó sẽ giúp cơ thể đào thải thông qua nước tiểu. Các chất alcaloid trong trà còn giúp người say tỉnh rượu, thúc đẩy năng lực trao đổi chất của gan, phổi nên đã tăng lưu thông huyết dịch, loại thải chất cồn trong máu ra ngoài cơ thể, kích thích thận bài tiết chất cồn qua tiểu tiện.Hãy uống trà, để cơ thể có thêm trợ thủ trong việc đào thải độc tố khỏi cơ thể.
Khi bụng dạ bất ổn: Uống trà thúc đẩy tiêu hóa, do tác dụng tổng hợp của nhiều thành phần trong trà, nhất là các chất alcaloid làm hưng phấn thần kinh trung ương, khai thông đường tiêu hóa, kích thích tiết dịch dạ dày, nâng cao hiệu quả của thức ăn và nước uống. Các chất alcaloid trong trà còn giúp tiêu hóa nhanh các thực phẩm nhiều đạm và lipid. Các chất trong trà có công năng loại trừ các chất độc hại trong cơ thể, làm sạch các vi sinh vật trong các cơ quan tiêu hóa, loại thải những tàn dư, rác thải trong cơ thể, làm sạch dạ dày, gan, một bộ phận phổi, do đó trà được coi như là “lao công của gan và phổi”.
Chăm sóc tim mạch: Cafein có tác dụng làm giãn huyết quản và tăng cường lượng huyết dịch lưu thông của tim và phổi, làm cho huyết áp tăng cao và tăng cường lưu thông máu nên đã thúc đẩy tuần hoàn máu. Kết quả thí nghiệm chứng minh bệnh nhân uống trà có thể tăng cao chỉ số tim, phổi, chỉ số mạch, lượng hấp thu oxy của huyết dịch.Thí nghiệm trên động vật chứng minh uống cafein thuần khiết có thể làm tăng huyết áp, dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng Bộ môn Y khoa Đại học Chiết Giang đã chứng minh trong trà còn có nhiều lượng polyphenol và vitamin C gây tác dụng hiệp đồng nên làm giảm sự hấp thu và hình thành cholesterol xấu trong máu. Trong lá trà có chất polyphenol trà, vị chát, đó là hợp chất có nhiều chức năng dược lý đối với con người.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại, tác dụng dược lý của polyphenol trà gồm có: Giảm lipid trong máu, chống xơ vữa động mạch; Tăng cường vi huyết quản, giảm đường trong máu; Chống oxy hóa, chống già yếu; Chống phóng xạ; Diệt khuẩn; Chống bệnh ung thư và đột biến tế bào.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, Liên Xô cũ, Nhật Bản, Pháp đã chứng minh polysaccarid trong chè có tác dụng tạo máu, nên có tác dụng trị liệu mắc phóng xạ.
Tích cực với thần kinh: Hưng phấn cơ năng của thần kinh bộ não, kéo dài tác dụng hưng phấn, rồi tác dụng đến thần kinh thực vật có xương sống; có khả năng nâng cao năng lực hoạt động của tư duy, làm cho đầu óc tỉnh táo, minh mẫn không buồn ngủ, nâng cao hiệu suất lao động trí óc, nhưng không có hại như các chất cồn, nicotin và thuốc phiện vì không gây tác dụng phụ ức chế. Kích thích thần kinh, tăng cường co bóp của cơ bắp, thúc đẩy trao đổi chất, nên tăng cường hoạt động cơ bắp, chống mệt mỏi; lợi cho vận động thể dục thể thao. Tinh dầu trong chè có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương con người, có lợi cho hoạt động tư duy, lao động trí óc.
Hoàng Anh