Bộ NN-PTNT cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1/2023 thì sang tháng 2 đã lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2023 của toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 2/2022.
Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD, tăng 25,9% so với tháng 2/2022; chăn nuôi 29 triệu USD, tăng 46,5%; các mặt hàng lâm sản chính gần 872,1 triệu USD, giảm 10,7%; thủy sản 550 triệu USD, giảm 13,1%...
Trong 2 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, nhóm rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 17,8%; sắn và sản phẩm sắn đạt 283 tỷ USD, tăng 32,7%; sữa và sản phẩm sữa đạt 16,2 triệu USD, tăng 10,2%; thịt và phụ phẩm đạt 16,9 tỷ USD, tăng 14,2%; chè đạt 25 triệu USD, tăng 5,1%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê thu về 703 triệu USD, giảm 14,6%; cao su 394 triệu USD, giảm 23,1%; gạo 417 triệu USD, giảm 10,8%; hạt điều 327 triệu USD, giảm 14,3%; hạt tiêu 129 triệu USD, giảm 7,4%.
Giảm sâu nhất là mặt hàng cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ với mức giảm lần lượt là 64,1%, 54,9% và 34,8%. Tính đến hết tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu trong 2 tháng năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 20,2% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta. Mỹ sau 2 năm giữ ngôi số 1 thì nay tụt xuống vị trí thứ 2 với kim ngạch 1,19 tỷ USD, chiếm 19%.
Tiếp sau đó là Nhật Bản với giá trị đạt 563 triệu USD, chiếm 9%; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 4, đạt 302 triệu USD, chiếm 4,8% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ đạt 13,3 tỷ USD, chiếm 25% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam; sang Trung Quốc đạt 10,05 tỷ USD, chiếm 18,9%; sang Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 7,9% và sang Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.
Hoài Anh (t/h)