Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm và ông Đào Xuân Quyền, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, qua 47 năm xây dựng và trưởng thành,Trung tâm đã vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của chính phủ, được Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, và năm 2022 tiếp tục được nhận cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ LĐTB-XH.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phục hồi chức năng, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng trong diện, đơn vị còn thực hiện rất tốt việc hướng nghiệp, dạy nghề, cho người khuyết tật để họ có công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đóng góp khả năng của mình vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hiện nay Trung tâm đang duy trì 7 lớp học nghề với gần 100 học sinh theo học các nghề may, đan, làm hoa lụa, làm hương thơm, tranh đá quý, tranh bút lửa... Ngoài ra học sinh khuyết tật còn được hướng dẫn nghề mới như đan tôm, đan hoa, may túi nhồi bông, túi ví...
Thăm nơi sản xuất và dạy nghề của Trung tâm, Ông Nguyễn Như Liêm,Trưởng phòng hướng nghiệp và dạy nghề giới thiệu anh Nguyễn Đức Thế (SN1981), quê quán ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, là người khuyết tật vận động, mất 81% sức khỏe do bị ảnh hưởng chất độc da cam điôxin, nhờ học nghề từ năm 2007, nay anh đã là thợ lành nghề về sản xuất tranh đá quý và đang làm việc tại trung tâm.
Tại khu trưng bày các sản phẩm của người khuyết tật, có rất nhiều chủng loại, từ sản phẩm nhỏ vài chục ngàn đồng, tới các sản phẩm cao cấp có giá trị hàng triệu đồng như các tác phẩm tranh đá quý được xếp đặt cẩn thận trên giá đỡ, chờ xuất bán cho khách. Không ai nghĩ rằng đó là các sản phẩm được làm ra từ bàn tay lao động, mồ hôi, công sức của người khuyết tật.
Ông Liêm cho biết hiện nay sản phẩm của trung tâm làm ra rất nhiều, đã và đang được bày bán tại các siêu thị Lan Chi ở Ba Vì, Sơn Tây và một số nơi, được thị trường và người tiêu dùng khó tính chấp nhận, tiêu thụ tốt.
Tuy vậy Trung tâm vẫn rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh trong cả nước, để đảm bảo đầu ra của sản phẩm được ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật.
Điều đáng tự hào là từ Trung tâm PHCN-NKT Thụy An, nhiều người khuyết tật đã rèn luyện, phấn đấu tốt, đã trở thành các giám đốc, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và dạy nghề. Đặc biệt một số trường hợp còn trở thành cán bộ cốt cán đang làm việc tại Trung tâm hiện nay.
Tại cửa hàng sửa chữa đồ điện tử của ông Bùi Đức Viễn (SN1969), ở xã Phú Sơn, một cựu học viên khuyết tật của Trung tâm.Ông Viễn bồi hồi kể lại, ông sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Vi, xã Đông La, huyện Đông Hưng, Thái Bình, không may bị tàn tật do tai nạn giao thông phải cắt cụt chân trái, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn. Năm 1985 ông Viễn được trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, được học tập văn hóa và học nghề sửa chữa đồ điện tử, lại được Ban lãnh đạo Trung tâm giới thiệu, ông Viễn đã tìm hiểu kết hôn với bà Phùng Thị Khuyên (SN 1975) làm ruộng ở xã Phú Sơn, sau đó về xã Phú Sơn sinh sống.Vợ chồng ông bà đã sinh được 3 người con, 2 trai,1 gái, hiện nay các cháu đã trưởng thành là Đảng viên, bộ đội xuất ngũ và 2 cháu trai tiếp tục làm nghề sửa chữa điện tử nhờ học được từ ông Viễn và theo học tại trường Đại học của Bộ LĐTB& XH. Nhờ có trình độ tay nghề khá cao, nên cửa hàng sửa chữa đồ điện tử của ông Viễn đã thu hút được rất đông khách, từ các xã bạn và cả các xã thuộc hai huyện Tam Nông, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ tìm đến, tạo cho gia đình có nguồn thu nhập khá ổn định, vợ chồng ông có điều kiện nuôi dạy con cái học tập tiến bộ, trưởng thành trong cuộc sống.
Trong tâm trí ông Viễn và nhiều người, nhiều gia đình của người khuyết tật đã và đang được Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng, hướng nghiệp và dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng luôn ghi nhớ, biết ơn Đảng và Nhà nước, các thế hệ cán bộ và nhân viên của Trung tâm qua các thời kỳ đã giúp đỡ người khuyết tật, để họ có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, bình đẳng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Trường Sơn - Minh Đông/ VPTB