Hoạt động thực tế gắn với đào tạo lý thuyết luôn được nhà trường và khoa chú trọng đặc biệt, qua đó không chỉ mang lại kiến thức toàn diện gắn sát với thực tiễn cho sinh viên, mà còn là cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng thực địa, khảo sát chuyên ngành, nắm bắt được những yêu cầu cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các vị trí việc làm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Nội dung thực hành, thực tế đa dạng với mục tiêu thiết thực được thiết kế rõ ràng qua đó giúp sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin….Trong quá trình thực tế tại cơ sở, sinh viên đã tham gia thực hiện nhiều nội dung phong phú như:
Khảo sát tai biến thiên nhiên: Tìm hiểu về các loại hình tai biến thiên nhiên xảy ra tại địa phương, đánh giá ảnh hưởng tai biến thiên nhiên đến đời sống và sinh kế của người dân, các biện pháp ứng phó mà cộng đồng đã thực hiện.
Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên: Tìm hiểu hiện trạng tài nguyên đất, nước, rừng và khoáng sản tại địa phương, cùng với những vấn đề nảy sinh từ khai thác tài nguyên.
Tìm hiểu vấn đề biến đổi khí hậu: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống người dân cũng như tìm hiểu các biện pháp thích ứng của địa phương.
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái: Tìm hiểu tiềm năng và tình hình triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương, thăm quan mô hình sản xuất trà hữu cơ, trà sinh thái, phát thải carbon thấp từ việc ứng dụng than sinh học và công nghệ khí hóa sinh khối vào chăm sóc và chế biến trà tại HTX trà an toàn Phú Đô.
Đánh giá quy hoạch nông thôn mới: Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương; những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường tại địa phương.
TS. Vi Thùy Linh cho biết: "với phương châm “Học đi đối với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”, chương trình đào tạo của Khoa luôn chú trọng cung cấp cho sinh viên những kiến thức, các kỹ năng nghiệp vụ thực tế thông qua việc thực hành máy móc tại phòng thí nghiệm, các chuyến trải nghiệm tại các đơn vị chuyên môn. Chuyến đi lần này thực hiện nhằm cụ thể hoá cho sinh viên một phần lý thuyết đã học cúa các học phần Tài nguyên thiên nhiên, tai biến thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, Phát triển nông thôn mới. Thông qua các hoạt động tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lương, khảo sát thực tế xã Phú Đô, thầy trò đã đạt được các mục tiêu học tập".
Sinh viên Chẻo Thùy Linh, Lớp K19 QLTN&MT cho biết: Đây không phải lần đầu e được tham gia vào hoạt động học tập như thế này vì hầu như mỗi học phần học từ năm thứ nhất đến nay chúng e đều có các nội dung thực hành gắn với lý thuyết. Chuyến thực tế này tại Phú Lương giúp e có cái nhìn rõ hơn về các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, hiện trạng xây dựng nông thôn mới, đặc biệt các vấn đề môi trường tại nông thôn; những khác biệt về công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương so với các nơi khác. Em đặc biệt thích thú khi tìm hiểu mô hình thực tiễn sản xuất chè sạch, phát thải carbon thấp vì đây là nội dung kiến thức đang rất “hot” vừa được giới thiệu trong môn Chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Em thấy qua mỗi chuyến đi như này, mình hiểu bài hơn, thêm yêu thích về ngành học đã lựa chọn.
Khoa Tài nguyên và Môi trường tiền thân là Bộ môn Khoa học Môi trường được thành lập năm 2004, xuất phát từ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên khu vực trung du miền núi phía Bắc và toàn quốc. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khoa đã có đội ngũ cán bộ vững mạnh, đào tạo 02 ngành bậc cử nhân (Khoa học Môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường), 01 chuyên ngành thạc sĩ và 01 chuyên ngành ngành Tiến sĩ Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Đến hiện tại, Khoa đã cung cấp cho xã hội gần 2000 cử nhân và thạc sĩ ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực quản lý Tài nguyên và Môi trường.
Việc kết hợp lý thuyết với thực hành không chỉ là một phương pháp học tập hiệu quả, mà còn là cách để sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường khẳng định cam kết, có trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của tài nguyên và môi trường. Sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường, đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên không chỉ học để biết, học để làm việc mà còn học để yêu nghề và hành động vì một tương lai bền vững.
HOÀNG TUẤN