Thực tế suốt nhiều năm qua, dọc sông Lô đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang được các địa phương cấp phép cho hàng chục mỏ khai thác cát, sỏi. Từ đó, hàng loạt vi phạm diễn ra khiến lòng sông "quặn đau", lòng người "nhức nhối".
Cụ thể, những vi phạm đã được các cơ quan báo chí, người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng phản ánh, như: Khai thác cát vượt mốc giới được cấp gây sạt lở; lợi dụng chương trình quốc gia về nông thôn mới (NTM) để khai thác, buôn bán cát trái phép; sử dụng tàu cuốc để "moi ruột" sông dù bị cấm; xe có dấu hiệu quá tải ngày đêm chở cát gây ảnh hưởng quốc lộ…Đồng thời, còn nhiều bến bãi tập kết khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, nhiều vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép... chưa được xử lý dứt điểm, còn để tái diễn.
Một số doanh nghiệp được cấp phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và yêu cầu của các cơ quan chức năng, chậm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định, như: hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, chuyển đổi đối với các phương tiện, thiết bị khai thác và vận chuyển cát, sỏi theo quy định. Một số chưa cắm (hoặc chưa cắm lại) đầy đủ, đúng quy cách mốc giới, thả phao tiêu xác định ranh giới khu vực khai thác, khai thác ngoài thời gian quy định...
Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang giao Sở Tài nguyên và Môi trường ngay trong tháng 8/2021 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do tỉnh chủ trì, tiến hành kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 9/2021.
Ngay sau đó, Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định 255/QĐ-STNMT về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh do do ông Nguyễn Sơn Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách.
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp Tổ công tác 1242, các cơ quan liên quan, UBND huyện, thành phố kiểm tra toàn diện tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sông Lô là phụ lưu cấp 1 ở tả ngạn sông Hồng, chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Điểm cuối là ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với lưu vực khoảng 22.600km2 rồi đổ vào sông Hồng.
Cát trên sông Lô chủ yếu là cát vàng, dùng để đổ bê tông, cát sau khai thác phục vụ tại địa phương, bán ra ngoài tỉnh, đặc biệt là chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh phục vụ cho các công trình xây dựng.