Thời gian vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã và đang cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp với danh nghĩa nạo vét, khơi thông luồng, khai thác cát sỏi, thậm chí là tập kết, trung chuyển cát, sỏi ngay ven sông. Việc khai thác cát tại khu vực bãi sông, lòng sông đang tác động xấu đến môi trường, thậm chí là gây sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều. Nhiều bãi chứa, trung chuyển tập kết lượng cát lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê, kè, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân…
Thời gian gần đây, người dân tại thôn Bợ 1, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bức xúc trước việc Công ty TNHH Hoàng Thức Tuyên Quang (Công ty Hoàng Thức) lập bến bãi lấn sông từ nhiều năm nay.
Đáng nói, tại khu vực này, Công ty Hoàng Thức còn ngang nhiên đổ đất, đá xuống lòng sông, lập thành bãi cát dưới bờ sông. Mỗi ngày, có hàng chục xe trọng tải lớn ngang nhiên ra vào bến bãi để chở cát đi tiêu thụ.
Để xác minh thông tin về vấn đề này, chạy theo Quốc lộ 2 đến km 31 (Tuyên Quang - Hà Giang) rồi đi theo đường tỉnh 190, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã có mặt tại thôn Bợ 1, xã Bình Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang). Bãi tập kết của Công ty Hoàng Thức nằm ngay dưới chân cầu Bợ, đứng trên cầu, bằng mắt thường có thể dễ dàng thấy được đại công trường khai thác, hoạt động của đơn vị này.
Nhóm PV chúng tôi có mặt tại đây vào thời điểm xế chiều, thế nhưng mọi hoạt động của doanh nghiệp này vẫn diễn ra nhộn nhịp, tiếng tàu hút cát, tiếng máy xúc, múc cát từ bến bãi, tiếng những chiếc xe trọng tải lớn đang ì ạch “gồng mình”, “bò” từ bãi tập kết chở cát đi tiêu thụ làm vang vọng cả một vùng sông nước.
Giữa lòng sông, có bốn đến năm chiếc tàu không có biển kiểm soát, không có logo hay bất kỳ ký hiệu gì để nhận diện, chỉ biết những chiếc tàu này đang vươn vòi hút lấy, hút để nguồn cát vàng màu mỡ. Khi những chiếc tàu này đầy cát sẽ di chuyển về địa điểm bãi tập kết để bơm cát trực tiếp lên bãi.
Theo ghi nhận của PV, tất cả các tàu này trong quá trình hút cát đã không thu dọn, đổ tạp chất đúng nơi quy định mà đổ thẳng xuống lòng sông. Một số tàu có dấu hiệu xuống cấp đã làm rò rỉ dầu máy ra ngoài, khiến cả vùng nước bị loang lổ. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng chục lượt xe trọng tải lớn ra vào để chở cát đi tiêu thụ. Thế nhưng, trong suốt quá trình hoạt động này diễn ra, không hề thấy có bóng dáng kiểm tra của lực lượng chức năng hay chính quyền sở tại.
Mặt khác, để thuận tiện cho việc tập kết cũng như các phương tiện ra vào vận chuyển cát, sỏi. Gần đây, Công ty Hoàng Thức còn liên tục lấn ra lòng sông. Theo ước tính, đã có hàng trăm tấn đất, đá được đổ xuống lòng sông tạo thành bãi cát kéo dài với diện tích lấn chiếm hàng trăm m2.
Được biết, Công ty TNHH Hoàng Thức Tuyên Quang hoạt động theo giấy phép số 30/GP-UBND ngày 11/9/2014 do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp, công suất khai thác là 40.000 m3/năm; Thời gian khai thác là 30 năm kể từ ngày ký giấy phép, phương tiện khai thác bằng thuyền hút cát nhỏ.
Ngoài ra, đối với bến bãi tập kết của doanh nghiệp này hoạt động theo giấy phép số 01//2020/GPBTNĐ do Sở Giao thông Vận tải Tuyên Quang cấp với mục đích sử dụng là bốc xếp dỡ hang hóa thông thường; Vị trí bến từ Km 130+00 đến Km 100+100, Bên bờ trái sông Lô thuộc địa phận xã Bình Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang); Kết cấu, quy mô bến: Mép bờ được gia cố bằng vật liệu đá hộc quay trong rọ thép B40 chống xói lở bờ sông; Phạm vi vùng nước với chiều dài là 100 mét dọc theo bờ về phía thượng lưu kể từ Km 130+00, còn chiều rộng là 30 mét, kể từ mép bờ trở ra phía sông.
Trao đổi với ông Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Xa về tình trạng khai thác và tập kết bến bãi tại địa phương, vị này hết lời “khen ngợi”: “Về khối lượng, trữ lượng khai thác, doanh nghiệp Hoàng Thức thực hiện theo đúng giấy phép được kinh doanh. Còn về bến bãi và mỏ, đơn vị thực hiện đúng theo cấp phép của UBND tỉnh, không có gì gây ảnh hưởng, búc xúc đến nhân dân, mấy năm gần đây đơn vị thực hiện rất tốt việc đó.”
Khi PV đề cập đến tình trạng Công ty Hoàng Thức trong quá trình hoạt động đã đổ đất, đá xuống lòng sông thị vị lãnh đạo này phân trần: “Vừa rồi, đơn vị đổ xuống một ít đất ở mép, vị trí bến cũ ngày xưa để cho nước khỏi tràn qua bãi cát của đơn vị. Vấn đề này, UBND huyện đã ra Quyết định xử phạt, và yêu cầu trong 10 ngày đơn vị phải khắc phục.”
Nói về tình trạng các bến, bãi tập kết cát, sỏi hoạt động sai quy định, giới chuyên gia nhận định, hoạt động quản lý bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng luôn gắn liền với công tác quản lý, sử dụng đất của các cấp chính quyền địa phương, do vậy sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý vi phạm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại trong lĩnh vực này. Hơn nữa, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nơi để xảy ra sai phạm vẫn chưa nghiêm khiến một số chính quyền địa phương nơi có bến bãi vẫn buông lỏng công tác quản lý...
Quay trở lại với việc Công ty TNHH Hoàng Thức Tuyên Quang đổ đất, đá thải san lấp sông để lấy mặt bằng, lấn chiếm lòng sông gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ. Cùng với đó, việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe ô tô có tải trọng lớn có thể làm hư hỏng mặt đường; quá trình vận chuyển làm rơi vãi cát, sỏi, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận…
Trước tình hình nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các sở: Xây dựng, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và UBND huyện Hàm Yên cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương xử lý dứt điểm các bến, bãi cát, sỏi đang ngang nhiên hoạt động không đúng quy hoạch.
Tạ Thành – Đức Huy