Hiện nay, Tuyên Quang có hơn 8.700 ha chè, 3 doanh nghiệp cổ phần, 3 hợp tác xã, 8 công ty TNHH sản xuất, kinh doanh chè. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tỉnh đang thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây chè, phấn đấu sản lượng thu hoạch chè búp tươi hàng năm đạt trên 65.500 tấn, doanh thu trên 315 tỷ đồng.
Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với Thái Nguyên, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất miền Bắc. Cây chè rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Diện tích chè hàng năm vẫn được mở rộng. Nói về vùng chè có tuổi thọ lâu năm trên đất Tuyên Quang phải nhắc đến những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú (Na Hang).
Ngoài những cây chè Shan tuyết mọc tự nhiên trên rừng, thì diện tích chè trồng của tỉnh luôn được mở rộng, nhất từ những thập niên 50 - 60, khi những người đi xây dựng vùng kinh tế mới lên Tuyên Quang làm trong các Nông trường chè Tân Trào (Sơn Dương), Sông Lô, Mỹ Lâm (Yên Sơn). Giờ đây, các nông trường này đều trở thành các Công ty cổ phần, giao diện tích chè đến từng hộ gia đình. Các Công ty cổ phần cũng tập trung đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, cho ra những sản phẩn chè đạt chất lượng cao, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài giống chè trung du truyền thống, hiện nay người dân tập trung trồng giống chè PH1, chè Bát Tiên, Ô Long, Ngọc Thúy... năng suất, chất lượng được nâng lên. Các sản phẩm chè của các công ty đã tham dự các hội chợ trong nước và quốc tế đều được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Các hợp tác xã, các công ty TNHH, các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đã phát triển lên nhiều, tạo môi trường cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm. Thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vào năm 2014. Chè Vĩnh Tân đã từng đoạt Cúp đồng Hội thi “Búp chè vàng” tại Liên hoan Chè Thái Nguyên. Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân chia sẻ, hiện thôn có 110 hộ, thì có 105 hộ làm chè thủ công truyền thống với diện tích trên 100 ha. Như vậy trung bình mỗi hộ ở đây có gần 1 ha chè sản xuất.
Bên cạnh đó, tại huyện Hàm Yên, Tổ hợp tác sản xuất chè Làng Bát, xã Tân Thành cũng đi lên bền vững bằng việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chè Làng Bát sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Chè hái về được đưa vào chế biến ngay theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và đóng gói với mẫu mã rất hiện đại, đã được nhiều du khách lựa chọn.
Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, năm 2014 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có một số cây chè đặc sản như Shan tuyết, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên. Bà Đàm Thị Vân Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tuân Lộ (Sơn Dương) nói, hiện nay, trên địa bàn huyện, một số giống chè đặc sản khác có khả năng phát triển tốt như: Ngọc Thúy, Bát Tiên, Đại Bạch Trà nhưng không nằm trong danh mục chè đặc sản được hỗ trợ trong Nghị quyết. Bởi 3 giống chè đặc sản trên không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Vì vậy, mong HĐND tỉnh bổ sung danh mục giống cây chè đặc sản được hỗ trợ vay vốn, giúp người làm chè có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trước kia, cây chè là cây xóa đói giảm nghèo, giờ cây chè đã thực sự là cây làm giàu của người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang có kế hoạch quy hoạch vùng chuyên canh chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu cho chè Tuyên Quang một cách bài bản, khoa học, để chè thực sự là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên và là đặc sản mà mỗi du khách luôn nhớ đến.
Sơn Thủy