Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2023 tăng 3,9%

Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay 29/7, sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2023 tăng 3,9%.  
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2023 tăng 3,9%.  

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng Bảy đã khởi sắc hơn tháng trước. Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 4,3%.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 đã tăng trở lại ở một số địa phương. Bắc Ninh là ví dụ điển hình, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này trong tháng 7/2023 đã tăng 23,8% so với tháng trước.

Trong khi đó, Thái Nguyên tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Vĩnh Long tăng 3%; Bình Dương tăng 2,3%; TP.HCM tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%... Ngược lại, Hải Phòng giảm 6,7%; Quảng Ninh giảm 1,9%; Hải Dương giảm 1,3%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; sơn hóa học và sữa tươi cùng tăng 6%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 16,7%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%; quần áo mặc thường giảm 5,7%; phân u rê giảm 4,4%.

Tiến Hoàng