Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vùng đặc biệt khó khăn

Chiều 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào dân tộc thiểu số khi Quốc hội bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời đánh giá, dự thảo Chương trình được xây dựng công phu, tâm huyết, toàn diện, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho vùng đặc biệt khó khăn

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện Chương trình cần đặt trong mối tương quan với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ chỉ tập trung vào vùng dân tộc miền núi có tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên tại địa bàn các xã, thôn khó khăn khu vực 1, 2 và 3, song đại biểu cũng đề nghị, việc tích hợp chính sách cần được quan tâm, rà soát kỹ hơn. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh một trong những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội là tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực đầu tư. Đặc biệt ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ đang đề xuất giai đoạn 2021-2030, theo đại biểu Toàn, có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và địa bàn thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá kết quả, làm rõ việc tiếp tục thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới; rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của 6 dự án thành phần có nội dung trùng lắp, khẳng định các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai thực hiện cho giai đoạn tới sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào?

“Trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng, cơ chế phối hợp, tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư tập trung hơn, hạn chế loại bỏ những dự án không phù hợp và có điều chỉnh cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đang đặt ra ở Nghị quyết 88 của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn kiến nghị.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác cần, xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hằng năm.

Đặc biệt, cần xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, dẫn dắt để làm trước. “Thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án trong Chương trình, giai đoạn đầu chỉ nên tập trung thực hiện một số dự án như Dự án tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án ổn định, phát triển dân cư; dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục. Có như vậy mới thực hiện nguyên tắc được Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư, đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng, các dự án thành phần đã được thiết kế trong Chương trình tương đối rõ ràng.Tuy nhiên còn có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ dàn trải, chưa có sự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng đáp ứng được mục tiêu này để tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Một số ý kiến của các ĐBQH cho rằng, cần có cơ chế cụ thể trong việc xã hội hóa huy động nguồn lực trong nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nguồn lực vốn của Nhà nước chỉ tập trung đầu tư những nội dung trọng điểm, mang tính đột phá.

Theo đó cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện mỗi khu vực, tập quán, văn hóa mỗi dân tộc. Việc bố trí nguồn lực Chương trình cần thể hiện rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đề cập đến việc thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhấn mạnh trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần giảm tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, phát huy tính tự lực, tự lập của người dân thì việc hỗ trợ cơ chế sẽ phù hợp, sẽ quan trọng hơn.

Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ thực hiện theo mục tiêu của phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng trong cả nước.

Cho rằng, nguồn vốn tín dụng 20.000 tỷ đồng của Chương trình còn thấp, nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình và kiến nghị nên tăng thêm nguồn vốn này đồng thời thực hiện “giảm cho không, tăng cho vay” để bà con dân tộc thiểu số có trách nhiệm trong việc vay vốn và làm ăn có hiệu quả, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên mảnh đất quê hương.

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều nay đã có 25 ý kiến của các ĐBQH góp ý, tranh luận sôi nổi tại diễn đàn Quốc hội về các nội dung của dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, còn rất nhiều ý kiến đã được đăng ký, những ý kiến này sẽ được Quốc hội tập hợp đầy đủ để chuyển tới Ban soạn thảo để tiếp tục tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Toàn Thắng
Theo Báo Chính phủ