Văn hóa trà của người Việt
Từ lâu trà được biết như một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, bởi vì nó thể hiện rất rõ đời sống sinh hoạt mộc mạc của người Việt ta. Song hành cùng lịch sử, văn hóa trà Việt Nam đã tồn tại, phát triển và mang một vẻ đẹp rất riêng biệt. Chính những nét đẹp này đã tô vẽ thêm bức tranh sống động về nét văn hóa đặc sắc này.
Văn hóa trà Việt Nam đã có từ 4000 năm lịch sử, gắn liền với quá trời dựng nước và giữ nước. Thông qua đó, nó được ví như một nhân chứng sống để chứng minh sự anh hùng của ông cha ta thời kỳ trước. Chính vì đã được du nhập và phát triển rất lâu trên đất Việt nên phong cách uống trà của người Việt khác xa với trà đạo Nhật Bản, Trung Quốc.
Đã có những gia đoạn trong lịch sử, trà được xem là thức uống cao cấp chỉ được thường thức bởi vua chúa hoặc dùng cho các tầng lớp danh gia vọng tộc, có gia thế cao sang quyền quý. Và theo đó những lễ nghi về cách pha trà, thưởng trà cũng khá cầu kì như yêu cầu người mời trà phải có tác phong thể hiện sự cung kính đối với các bậc tiền bối, cung kính với bề trên và bày tỏ sự tôn trọng dành cho họ.
Tuy nhiên, về sau này, văn hoá uống trà của người Việt xuất hiện ở mọi nơi, không phân biệt sang – giàu, nghèo – hèn. Dù gia đình quý tộc hay thường dân, dù hàng quán ở chợ hay nhà hàng cao cấp, … đều có thể tự do nhâm nhi tách trà nóng. Bên cạnh đó, trà còn được sử dụng trong tất cả những ngày lễ lớn như cưới hỏi, ma chay, cúng giỗ hay đơn giản là một ngày thường cũng có thể thưởng thức nó. Đặc biệt hơn cả văn hóa uống trà của người Việt hình thành trong mỗi gia đình Việt. Hầu hết ở mỗi gia đình người Việt đều có một bộ ấm trà. Pha trà mời khách thể hiện sự tôn trọng, hiếu khách của gia ch. Không những thế, trà còn xuất hiện trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, trong những lần đun nước và pha trà cho ông bà hay bố mẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: Trà gắn với mỗi gia đình Việt, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, xã hội gắn kết với nhau nhờ những gia đình nhỏ. Nói trà bắt nguồn từ gia đình không phải nói quá, bởi những người thân trong gia đình uống trà cùng nhau và đây dần trở thành nếp văn hóa riêng biệt của người Việt Nam.
Có thể nói văn hoá trà Việt Nam như một dòng suối âm ỉ chảy dài theo bề dày lịch sử và chảy mãi trong tâm hồn của mỗi người dân mang dòng máu rồng phượng này. Đó cũng chính là lý do tại sao Văn hoá uống trà của người Việt chính là sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và tương lai.
Trung Hoa – Cái nôi của văn hóa trà trên thế giới
Đất nước Trung Hoa được coi là “quê hương của trà” bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà như một đồ uống. Trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt mà còn chữa được bệnh. Đối với người Trung, thưởng trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc tự bao đời.
Trà xuất hiện và thịnh hành tại Trung Hoa từ hàng nghìn năm trước đây. Theo ghi chép trong lịch sử nước này về văn hóa trà đạo thì vào khoảng năm 280 tại nước Ngô vốn thời bấy giờ là một quốc gia nhỏ bé nằm ở phía Nam Trung Quốc bây giờ. Mỗi khi có yến tiệc thì nhà vua thường bắt ép các quan uống say mới cho về. Nhưng có một vị quạn tên là Vĩ Siêu vì không uống được nhiều rượu nên vua cho người này thay rượu bằng trà. Và kể từ đó các quan đều bắt đầu dùng trà tiếp khách thay vì uống rượu.
Lịch sử uống trà của Trung Hoa là hơn 4000 năm chính vì lẽ đó uống trà được người dân ở đây liệt vào danh sách 7 thói quen không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Theo phong tục văn hóa trà đạo của người Hoa “khách đến kính trà” chén trà chính là tượng trưng cho lễ nghĩa ,sự hiếu khách, trọng tình của con người nơi đây dù đó là ở nông thôn hay thành phố sang trọng đi chăng nữa.
Trong các tu viện thời Đường, các nhà sư đọc kinh và ngồi thiền, tất cả đều uống trà để sảng khoái tinh thần. Vào thời đó, tiệc trà rất phổ biến trong xã hội, khách và chủ thể hiện tâm tư của mình trong văn hóa, thưởng trà và phong cảnh, họ dùng trà thay rượu trong sinh hoạt một cách văn minh và tao nhã.
“Khách đến kính trà” là phong tục lễ nghĩa hiếu khách trọng tình của người Trung Quốc cho dù là ở nơi thành thị hay chốn thôn quê. Đối với người dân đất nước này, pha trà, uống trà là thói quen, là niềm vui và là nghệ thuật. Pha trà cũng có nhiều cách pha. Đơn giản nhất là cho trà vào tách, đổ nước sôi vào ly trà thủy tinh, chờ vài giây là uống được. Cầu kỳ hơn nhiều với nhiều công đoạn rửa trà, tráng ly, lọc trà và rót trà. Trong nghệ thuật trà, mùi và hương vị của trà là điều quan trọng nhất.
Trà đạo là một nghi thức trong cuộc sống người Trung Hoa và nó cũng được coi là một cách tu thân. Uống trà có tác dụng trấn tĩnh tâm trí, giúp bồi đắp tình cảm, xóa bỏ những suy nghĩ lung tung. Điều này phù hợp với triết lý phương Đông chủ trương “tĩnh tâm tĩnh lặng”. Đồng thời cũng phù hợp với tư tưởng “nội tâm tu hành” của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tinh thần văn hóa trà đạo Trung Quốc là cốt lõi của văn hóa trà và là linh hồn của văn hóa trà.
Giao lưu văn hóa trà – Kết nối giao thương
Ông Hoàng Vĩnh Long, Tổng Thư kí Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: "Trà là thức uống lâu đời, tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước. Triển vọng ngành chè ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cùng nhiều lợi ích và các giá trị thực tế mà ngành trà mang lại. Văn hóa trà là sợi dây kết nối giữa con người với con người. Thưởng trà là nét văn hóa có sự gần gũi, gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và Trung Quốc, chứa đựng những yếu tố tạo nên sự thấu hiểu và đồng cảm giữa hai nước.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Nhờ sự gần gũi về không gian địa lý, cùng sự tiếp xúc về văn hóa lâu dài trong lịch sử, nhân dân hai nước có những điểm tương đồng về văn hóa đặc biệt là văn hóa trà. Đây cũng chính là cơ sở để hai nước giao lưu, hợp tác văn hóa, tiếp tục kế thừa và nâng lên tầm cao mới.
Văn hóa trà như một câu chuyện, là sự hình dung về cả một vùng đất, vùng văn hóa. Điều đó có nghĩa là một chén trà thơm ngon thôi chưa đủ, đó còn phải là sự hòa quyện với linh hồn, đặc trưng của một đất nước, một dân tộc.
Hiện nay, có không ít những ý kiến cho rằng, văn hóa trà văn hóa trà của Việt Nam đang có những sự lai tạp đến nỗi không thể phân biệt được đâu là cách uống trà của Việt Nam, đâu là Trung Quốc hay đâu là của Nhật Bản. Nhưng sự thật không phải thế. Và không ít người dụng công đi tìm “dòng chảy riêng” cho văn hóa thưởng thức trà Việt. Tuy nhiên, sự giao thoa và ảnh hưởng của những nền văn hóa trà khác nhau, cách uống trà khác nhau trên thế giới là điều không thể nào phủ nhận. Chính sự giao thoa văn hóa lại càng làm nổi bật nên nét đặc trưng của mỗi quốc gia.
Bà Hy Tuệ - Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải, văn hóa tương thông. Hai nước cùng chia sẻ giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa trà hài hòa, gắn kết với sự phát triển quan hệ Trung - Việt. Đặc biệt là nghi thức tiệc trà đã trở thành điểm sáng nổi bật của trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Mới đây, nhân Ngày Chè Thế giới 21/5, sự kiện “Trà hài hòa thế giới - Tuần Văn hóa du lịch" đã được tổ chức với ý nghĩa tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hơn nữa hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Văn hóa trà hài hòa là nền tảng để hai nước cùng phát triển ngành chè, và hơn nữa là giao thương quốc tế, gắn kết tình hữu nghị.
Hương Trà