Giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, nơi những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, có một loài cây cổ thụ trầm mặc với thời gian. Thân cây phủ đầy rêu phong, lá đón gió trời, búp non ướp đẫm sương đêm trắng như tuyết đọng. Đó là chè Shan tuyết tinh hoa của đất trời, món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng núi cao phía Bắc Việt Nam. Giờ đây, “vàng xanh” ấy đang viết nên câu chuyện mới: từ những sườn núi heo hút đến bàn tiệc trà sang trọng nơi trời Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Người Dao xã Thanh Thủy thu hoạch chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh.
Kho báu ẩn mình giữa mây mù
Dọc dãy Tây Côn Lĩnh nóc nhà của vùng Đông Bắc, những gốc chè Shan tuyết cổ thụ sừng sững như những chứng nhân của lịch sử. Nhiều cây có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hơn 500 năm, rễ bám sâu vào đất đá, tán cây vươn lên giữa tầng mây. Không ít người gọi chúng là “bảo tàng sống” của thiên nhiên bởi giá trị gen quý hiếm mà chúng nắm giữ.
Ở độ cao từ 700 đến 2.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, ẩm ướt, sương mù bao phủ đã tạo ra điều kiện đặc biệt để búp chè Shan tuyết tích tụ tinh chất độc đáo. Lá chè dày, búp non phủ lớp lông tơ trắng muốt dấu ấn của chè Shan cổ thụ. Khi được hái và chế biến, mỗi tách trà Shan tuyết tỏa hương dịu nhẹ như gió núi, màu vàng mật óng ánh, vị chát thanh tinh tế và hậu ngọt sâu, để lại dấu ấn khó quên nơi đầu lưỡi.
Người Dao đỏ thôn Phia Chang, xã Hồng Thái coi cây chè Shan tuyết như một phần không thể thiếu, một món quà quý của thiên nhiên ban tặng.
Với hơn 19.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ, tỉnh Tuyên Quang hiện là một trong những vùng chè cổ thụ lớn nhất Việt Nam. Riêng khu vực Tây Côn Lĩnh chiếm tới 93% diện tích toàn tỉnh, được công nhận là vùng chè hữu cơ khổng lồ, đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây không chỉ là cây trồng, mà là biểu tượng văn hóa, gắn liền với đời sống và tâm thức của đồng bào Dao đỏ, H’Mông, Tày từ bao đời nay.
“Vàng xanh” giữa đại ngàn
Không phải ngẫu nhiên chè Shan tuyết được gọi là “vàng xanh”. Với những người con sinh ra trên vùng đất này, cây chè là mạch sống, là hy vọng thoát nghèo và vươn lên. Câu chuyện của chị Bàn Thị Hom, một phụ nữ Dao trẻ ở thôn Xà Phìn, xã Thanh Thủy, là minh chứng. Tốt nghiệp đại học, chị từ bỏ cơ hội ở thành phố, trở về quê nhà khởi nghiệp với cây chè Shan tuyết. Từ một xưởng nhỏ thủ công, chị Hom đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, liên kết cùng 10 hộ dân trong thôn, phát triển nhiều dòng sản phẩm đặc biệt như trà Mẫu Đơn, Bạch Trà, Phổ Nhĩ, mỗi năm mang về thu nhập hơn 150 triệu đồng sau chi phí.
Sản phẩm của Hợp tác xã Chế biến Chè Phìn Hồ đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc. Công ty TNHH Thành Sơn phường Hà Giang 1 là một trong những lá cờ đầu, sở hữu vùng nguyên liệu rộng 400 ha dọc Tây Côn Lĩnh. Bạch tiên trà là sản phẩm làm từ những búp chè cổ trên 500 tuổi, hái ở độ cao 2.000m được định giá gần 20 triệu đồng/kg và từng giành giải thưởng quốc tế. Không chỉ dừng ở trà uống, doanh nghiệp còn sáng tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, đồ uống từ chè, mở ra nhiều cách thưởng thức mới cho người tiêu dùng.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 102 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chế biến chè. Ngành chè mang lại hơn 700 tỷ đồng mỗi năm, đóng vai trò là động lực kinh tế vùng cao. Với người Dao, người Tày, Shan Tuyết không đơn thuần là nông sản đó là “vàng xanh” lặng lẽ nuôi sống con người và thắp sáng khát vọng vươn xa.
Hành trình vươn tầm quốc tế
Từ những sườn núi hiểm trở, chè Shan tuyết đã vượt ngàn dặm để hiện diện trên bàn tiệc trà ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan… Một trong những câu chuyện tiêu biểu là Hợp tác xã Fìn Hò Trà (xã Thông Nguyên). Thành lập năm 2008, đến 2018, Fìn Hò Trà xuất khẩu hơn 20 tấn chè khô sang Đài Loan. Hiện, sản lượng đạt trên 670 tấn/năm, các sản phẩm như Hồng Trà, Bạch Trà, Phổ Nhĩ… được xuất khẩu sang Pháp, Đức, bán trên Amazon với hơn 100 tấn/năm. Sản phẩm của HTX đã giành nhiều giải thưởng uy tín: Giải vàng Golden Leaf Awards 2024 tại Úc, chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia.
Tuy nhiên, để đặt chân vào những thị trường khó tính, người dân và doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy: từ canh tác truyền thống sang sản xuất hữu cơ, từ sao sấy thủ công sang chế biến công nghệ cao. Họ học cách kể câu chuyện về cây chè về nguồn gốc, quy trình, văn hóa để mỗi sản phẩm khi ra quốc tế không chỉ là trà, mà còn là tinh hoa của một vùng đất.
Những thách thức phía trước
Dù đầy tiềm năng, chè Shan tuyết vẫn đối mặt không ít thách thức. Phần lớn diện tích chưa được thâm canh đúng kỹ thuật, năng suất bình quân chỉ đạt 7,9 tạ/ha. Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ còn lỏng lẻo, trong khi thị trường quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh và chứng nhận hữu cơ.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, dịch bệnh cây trồng và thiếu vốn đầu tư cũng là những rào cản. Để chè Shan tuyết phát triển bền vững, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính quyền: quy hoạch vùng chè cổ thụ, bảo tồn cây di sản, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa trà, và đầu tư hạ tầng vùng chè.
Đánh thức tiềm năng “vàng xanh”
Cây chè Shan tuyết cổ thụ là nguồn tài nguyên vô giá. Nếu biết khai thác hợp lý, đây không chỉ là sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao, mà còn là biểu tượng đưa thương hiệu trà Việt vươn ra thế giới. Những bước đi bài bản từ bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, chuẩn hóa quy trình chế biến đến xây dựng thương hiệu sẽ là chìa khóa mở cánh cửa thị trường quốc tế.
“Vàng xanh” Shan tuyết không sáng chói như vàng thật, nhưng bền bỉ, thấm sâu vào đời sống và trở thành niềm tự hào của Tây Bắc. Mỗi búp trà non, mỗi tách trà vàng sánh như mật chính là kết tinh của nắng gió, sương mù và bàn tay người dân vùng cao. Và giờ đây, câu chuyện của những đỉnh núi ướp sương đang tiếp tục, với khát vọng vươn xa để cái tên Shan tuyết được nhắc đến trên toàn cầu như một đại diện xứng đáng của trà Việt.