Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ mức tăng 24% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2026-2035 khi VCSC ghi nhận dự phóng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Long Thành (LTA) trong dự báo của VCSC.
Tác động tích cực kể trên một phần bù đắp cho mức giảm 9,8% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2025 của VCSC. Cụ thể, VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022/2023 thêm 41%/2,9%/3,7%, chủ yếu do lượng hành khách quốc tế dự kiến phục hồi chậm hơn khi dịch COVID-19 diễn biến không đồng đều trên toàn cầu.
VCSC nhìn chung duy trì dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2020 đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (- 80% YoY) dù giảm dự báo doanh thu năm 2020 thêm 7,5% còn 7,1 nghìn tỷ đồng (-61% YoY) khi VCSC giảm dự báo lượng hành khách quốc tế còn 7,5 triệu (-82% YoY), một phần được bù đắp bởi việc kiểm soát chi phí hiệu quả của ACV, được phản ánh thông qua biên lợi nhuận gộp dự phóng cao hơn, đạt 18,3% so với 14,5% trước đây.
VCSC kỳ vọng sự phục hồi từ mức thấp trong năm 2021 với doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (+41% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (+91% YoY). VCSC dự báo lượng hành khách quốc tế đạt 11,6 triệu trong năm 2021 – tương ứng khoảng 28% lượng hành khách quốc tế năm 2019 – khi VCSC kỳ vọng lượng hành khách quốc tế sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Dù lợi nhuận giảm mạnh, VCSC cho rằng ACV có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định – dù dịch COVID-19 kéo dài hơn kỳ vọng. ACV có số dư tiền mặt ròng đạt 19 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2020 trong khi chi phí phi tiền mặt chiếm khoảng 38% tổng chi phí năm 2019.
Rủi ro được VCSC đưa ra: Vốn XDCB cao hơn dự kiến; trì hoãn mở rộng công suất sân bay, từ đó hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách; các lệnh cấm di chuyển quốc tế kéo dài; lỗ tỷ giá từ khoản nợ vay ngoại tệ JPY.
Lưu lượng hành khách quốc tế có thể duy trì ở mức hạn chế cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu. Do các lệnh hạn chế nhập cảnh và quy định cách ly hiện tại, số lượng hành khách quốc tế của Việt Nam duy trì ở mức thấp, chủ yếu bao gồm các nhà đầu tư, chuyên gia và lao động có kinh nghiệm nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên sức khỏe cộng đồng, VCSC cho rằng Việt Nam ít khả năng mở cửa trở lại ngành du lịch quốc tế trước khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu. Tuy nhiên, VCSC duy trì quan điểm tích cực đối với khả năng phục hồi của ngành hàng không Việt Nam khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, nhờ (1) tầng lớp thu nhập trung bình gia tăng và vị trí liền kề của Việt Nam với các thị trường hàng không vốn tăng trưởng nhanh chóng khác và (2) Việt Nam có khả năng trở thành điểm đến với giá cả hợp lý và an toàn cho khách du lịch sau dịch COVID-19.
Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) sẽ dẫn dắt tăng trưởng của ACV trong dài hạn. Chính phủ đã thông qua kế hoạch đầu tư dự án LTA Giai đoạn 1 vào tháng 11/2020, trong đó ACV đóng vai trò là chủ đầu tư chính của dự án thành phần thứ ba (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không), bao gồm nhà ga hàng khách, đường băng, sân đỗ, nhà ga hàng hoá thứ nhất và các cơ sở khác.
Khi ACV là chủ đầu tư cho đường băng của LTA, VCSC cho rằng ACV sẽ được phép thu phí cất cánh và hạ cánh từ dự án này, dẫn đến việc chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS thêm 24% tổng cộng trong giai đoạn 2026-2035 khi VCSC trước đây giả định khoản vốn XDCB trị giá 99 nghìn tỷ đồng cho dự án LTA nhưng chưa ghi nhận khoản phí cất cánh và hạ cánh thu về trong dự báo lợi nhuận của ACV.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành