Theo quan điểm của VCSC, P/E dự phóng năm 2021 hiện tại của QNS ở mức 9,8 lần là hợp lý do rủi ro khả năng nguồn vốn được phân bổ kém hiệu quả và lợi nhuận biến động do mảng đường.
Bên cạnh đó, VCSC tăng giá mục tiêu thêm 6% khi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021- 2023 thêm 18% chủ yếu nhờ dự báo biên lợi nhuận gộp mảng đường cao hơn trong bối cảnh nguồn cung hạn chế hơn và các rào cản thương mại mới của Việt Nam đối với đường nhập khẩu đã khiến giá đường trong nước tăng trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, VCSC dự báo EPS năm 2021 sẽ tăng 27% nhờ biên lợi nhuận gộp mảng đường tăng 16,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, VCSC dự báo lợi nhuận từ mảng sữa đậu nành sẽ đi ngang trong năm 2021 khi nhu cầu sữa đậu nành phục hồi, giá bán trung bình (ASP) và thu nhập từ lãi tăng sẽ bù đắp cho chi phí nguyên liệu thô (đường và đậu nành) cao hơn, theo quan điểm của VCSC.
Do nguồn cung đường của Thái Lan có khả năng phục hồi vào năm 2022 và nguy cơ liên quan đến việc gia tăng nhập lậu đường Thái Lan vào Việt Nam, VCSC giả định ASP đường của QNS sẽ giảm vào năm 2022 và 2023, điều này giải thích cho dự báo tăng trưởng EPS ở mức một chữ số của VCSC trong giai đoạn này.
Yếu tố hỗ trợ tiềm năng: Các sự kiện doanh nghiệp có tác động tích cực đến mảng kinh doanh sữa đậu nành, vốn VCSC cho rằng có thể được định giá cao hơn bởi thị trường nếu đánh giá riêng lẻ mảng này; giá đường cao hơn dự kiến có thể thúc đẩy tâm lý NĐT bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận của QNS.
Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS).
Giá bán đường trung bình (ASP) năm 2021 sẽ được thúc đẩy bởi nguồn cung đường Thái Lan thắt chặt và Việt Nam áp thuế chống bán phá giá mới đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Cụ thể, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor cho thấy sản lượng đường của Thái Lan đang trên đà giảm hai chữ số trong mùa vụ năm 2021.
Vào cuối tháng 2/2021, Bộ Công Thương (MoIT) đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức 34%-49% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Do những yếu tố này và thực tế là đường Thái Lan nhập khẩu (cả nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp) thường chiếm 40%-50% lượng đường tiêu thụ của Việt Nam, giá đường trắng (RS) của Việt Nam đã tăng khoảng 20% trong 3 tháng qua, theo ước tính của VCSC. Tuy nhiên, VCSC cho rằng giá đường có thể giảm vào năm 2022 khi sản lượng đường của Thái Lan phục hồi, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Tương ứng, VCSC dự báo ASP đường RS của QNS sẽ tăng 37% vào năm 2021 trước khi giảm 15%/5% vào năm 2022/2023.
VCSC kỳ vọng doanh thu mảng sữa đậu nành sẽ tiếp tục tăng nhưng giá nguyên liệu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong năm 2021. Cụ thể, VCSC kỳ vọng sản lượng bán mảng sữa đậu nành sẽ phục hồi 8% trong năm 2021 và đạt CAGR 6% trong giai đoạn 2021-2023 sau khi giảm 10% YoY vào năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với chi tiêu không thiết yếu - đặc biệt là phân khúc khách hàng phổ thông.
Theo ước tính của VCSC, dù có sự suy giảm giảm sản lượng trong năm 2020, QNS vẫn duy trì thị phần thống trị khoảng xung quanh 85% trong ngành sữa đậu nành. Trong khi đó, VCSC dự báo biên lợi nhuận ròng của mảng sữa đậu nành sẽ giảm từ 20,1% trong năm 2020 còn 18,0% năm 2021 do giá các nguyên liệu chính như đường và đậu nành (+53% trong tháng 2) tăng đột biến, được bù đắp một phần bởi ASP mạnh hơn và thu nhập từ lãi tăng nhờ dòng tiền tự do mạnh mẽ.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành