VCSC giảm giá mục tiêu thêm 3% khi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) giai đoạn 2021- 2023 thêm 8% do (1) làn sóng dịch COVID-19 thứ ba gần đây tại Việt Nam có thể kìm hãm đà phục hồi của tiêu thụ bia và (2) giá nguyên liệu đầu vào tăng có thể ảnh hưởng biên lợi nhuận gộp trong năm 2022.
Ngoài ra, VCSC dự báo doanh thu mảng bia sẽ phục hồi 11% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp, từ đó ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 10% trong giai đoạn 2021-2023 nhờ cả sản lượng và giá bán. Bên cạnh sự phục hồi của toàn ngành, VCSC kỳ vọng các sản phẩm mới của SAB – đặc biệt là ‘Saigon Chill’ (mảng phổ thông cao cấp) – sẽ thúc đẩy thị phần của công ty.
Giá mục tiêu của VCSC tương ứng P/E năm 2021 của SAB đạt 28,0 lần – phù hợp với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 28 lần.
Rủi ro được VCSC đưa ra: Thực thi chặt Nghị định 100 về phòng chống tác tại của rượu bia khi tham gia giao thông; doanh thu và khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt; mảng bia trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến do dịch COVID-19 tái bùng phát.
Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã có báo cập nhật đối với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB).
Danh mục sản phẩm được củng cố và nhu cầu trong nước phục hồi sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng. Cụ thể, tăng trưởng sản lượng của SAB cải thiện trong 6 tháng cuối năm so với nửa đầu năm 2020 (cụ thể, mức giảm nhẹ hơn so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm so với nửa đầu năm), trong khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất ghi nhận sự suy yếu trong khoảng thời gian so sánh tương ứng cho thấy thị phần của SAB đang dần hồi phục từ mức thấp vào quý 4/2019 khi những thông tin không chính xác về tỷ lệ sở hữu của SAB đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số của công ty, theo ban lãnh đạo.
Ngoài ra, kết quả bán hàng ban đầu tích cực của sản phẩm Saigon Chill – được triển khai vào đầu tháng 10 và nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng trẻ - được dự kiến sẽ củng cố tốt thị phần trong tương lai và biên LN của SAB nhờ định vị sản phẩm cao cấp hơn của thương hiệu Saigon Chill so với các sản phẩm cốt lõi hiệu hữu.
Theo ghi nhận của VCSC, sự hiện diện của Saigon Chill trong các chuỗi bách hóa bán lẻ cũng như sự hiện diện của bảng hiệu tại các cửa hàng ăn uống ở khu vực thành thị đã tăng lên trong 3 tháng qua. Trong khi đó, VCSC duy trì kỳ vọng ngành sản xuất bia sẽ phục hồi vào năm 2021, dù VCSC giảm giả định cho mức tăng trưởng chung của toàn ngành từ 11-15% còn 5%-9% do dịch COVID-19 tái bùng phát trong tháng 1/2021.
Tỷ lệ lợi nhuận từ HĐKD/doanh số bia sẽ tiếp tục gia tăng nhờ cải thiện cơ cấu sản phẩm/giá bán trung bình, chủ động hedging giá nguyên liệu và tối ưu hóa chi phí, sẽ giúp bù đắp cho việc gia tăng chi phí quảng cáo và khuyến mãi (A&P). Cụ thể, ngoài xu hướng cao cấp hóa sản phẩm, VCSC cho rằng nền kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ tạo dư địa để gia tăng giá bán.
Trong khi đó, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào như nhôm và lúa mạch tăng trong thời gian gần đây, VCSC kỳ vọng hoạt động hedging giá nguyên liệu của SAB sẽ giúp hỗ trợ một phần biên lợi nhuận trong năm 2021; tuy nhiên, tác động của việc giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ rõ ràng hơn vào năm 2022. Tương ứng, VCSC dự báo lợi nhuận từ HĐKD/doanh số bia sẽ tăng từ 19,9% vào năm 2020 lên 20,4% vào năm 2021 trước khi giảm còn 19,6% vào năm 2022 và tăng lại lên 20,7% vào năm 2023.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành