VDSC: Đánh giá kết quả ngành cá tra trong 10T 2020 và triển vọng cho năm 2021

Tình trạng xuất khẩu ảm đạm kéo dài do giá giảm trong khi quy định kiểm tra hải quan mới của Trung Quốc sẽ là trở ngại trong ngắn hạn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo cập nhật đối với ngành cá tra trong 10 tháng năm 2020 và triển vọng 2021.

Theo VDSC, trong 10T2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,21 tỷ USD, giảm mạnh 26% so với cùng kỳ. Trong đó, theo Bộ Công Thương, sản lượng và giá giảm lần lượt 9,2% YoY và 17% YoY. Mặc dù các thị trường đã nhanh chóng nhập hàng trở lại sau khi các nước dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, giá xuất khẩu vẫn không thể tăng lại do lo ngại về bệnh dịch tái phát, khiến khách hàng ngần ngại đặt hàng lượng lớn. Giá xuất khẩu đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm vào cuối tháng Mười.

Nguồn: Báo cáo VDSC
Nguồn: Báo cáo VDSC

Trong số những thị trường chính (Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN), Trung Quốc phục hồi nhanh nhất với sản lượng xuất khẩu sang thị trường này tăng vọt từ cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười Một. Tuy nhiên, sau đó lại suy giảm từ khi Trung Quốc bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với thủy sản nhập khẩu từ ngày 10/11, viện lý do các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào nội địa Trung Quốc từ thủy sản nhập khẩu.

Theo Undercurrent News, quy trình kiểm tra mới kéo dài trong bốn ngày, thay vì một ngày như trước đó. Container ách tắc tại cảng khiến hoạt động thương mại với Trung Quốc chậm lại và làm suy giảm niềm tin của người bán và người mua. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đang đàm phán lại nhằm giãn thời gian giao hàng nhằm hạn chế các chi phí có thể phát sinh liên quan đến việc giám định hải quan. Vì Trung Quốc là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam (35,3% tổng xuất khẩu trong 10T2020 so với 33% trong năm 2019), VDSC cho rằng đây là một tác nhân ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến xuất khẩu của toàn ngành.

Giá xuất khẩu thấp trong năm 2020 tạo áp lực lên nguồn cung và giá nguyên liệu trong năm 2021

Khách hàng đang đặt những đơn hàng nhỏ khiến cho sự phục hồi của giá xuất khẩu bị hạn chế. Giá xuất khẩu ở mức rất thấp trong hầu hết thời gian của năm 2020, tiếp nối xu hướng giảm từ cuối năm 2018.

Giá xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng mạnh sau khi sản lượng xuất khẩu tăng mạnh trong tháng Chín và tháng Mười, kéo giá cá nguyên liệu tăng hơn 30% lên khoảng 23.000 đồng/kg so với mức thấp 17.500 đồng/kg trong chín tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đến nay đã giảm xuống mức 21.000 đồng/kg kể từ khi có quy trình giám định mới từ Trung Quốc.

Nguồn: VDSC
Nguồn: VDSC

Trong khi giá thành sản xuất bình quân khoảng 20.000 đồng/kg, giá bán nguyên liệu thấp kéo dài đã dẫn đến các mức lỗ từ 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân không còn mặn mà thả nuôi vụ mới. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu và giá nguyên liệu cao trong năm tới.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, diện tích nuôi cá tra cả nước vào cuối tháng Chín năm 2020 đã giảm khoảng 9% so với cuối năm 2019. Với thời gian nuôi trung bình của cá tra từ khoảng bảy đến tám tháng, VDSC kỳ vọng tình trạng khan hiếm nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý 2 năm sau.

Biên lợi nhuận các doanh nghiệp chế biến giảm trong nửa đầu năm 2021 do thiếu hụt nguyên liệu nhưng phục hồi trong nửa cuối năm nhờ nguồn cung tăng trở lại

VDSC kỳ vọng đại dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2021. Điều này sẽ giúp khôi phục niềm tin của các nhà nhập khẩu và khiến chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ quy trình kiểm tra hải quan tốn nhiều thời gian.

Do đó, giá xuất khẩu sẽ tăng từ cuối Q2/2021. Giá nguyên liệu trung bình có thể tăng cao trong sáu tháng đầu năm và giảm dần trong nửa cuối năm do nguồn cung cá nguyên liệu tăng. Giá xuất khẩu bình quân có thể sẽ bắt đầu tăng từ cuối Q2/2020, khiến biên lợi nhuận của các nhà chế biến giảm trong nửa đầu năm sau đó tăng lên trong nửa cuối năm.

Tạ Thành