Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Chứng khoán MB (MBS) cho biết, luỹ kế 9 tháng 2022, VIB ghi nhận TOI hợp nhất 13.371 tỷ đồng (tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái). NII và NOI tăng trưởng lần lượt 31,3% và 17,6%. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đạt 926 tỷ đồng (tăng 1,2%) nhờ việc trích lập dự phòng rất chủ động trong năm 2021. Tỷ lệ CIR hợp nhất ở mức 34,6%, giảm 520 bps so với cùng kỳ năm 2021 giúp lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VIB đạt mức 7.814 tỷ đồng (tăng 46,4%), hoàn thành 74,4% kế hoạch cả năm 2022.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ NPL hợp nhất tại cuối quý III/2022 đạt 2,35%, tương đương với cuối năm 2021 và thấp hơn 10 bps so với cuối quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ bao nợ xấu được cải thiện lên mức 54%, tăng nhẹ so với năm 2021. Quy mô các khoản nợ tái cơ cấu tại cuối quý III/2022 đạt 415 tỷ đồng, chiếm 0,2% quy mô tín dụng của VIB, tiếp tục xu hướng giảm và dự kiến sẽ về 0 trong năm 2023.
Về quy mô bảng cân đối kế toán, tổng tài sản hợp nhất của VIB đạt 340.910 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2021, giảm 2% so với quý trước. Cơ cấu danh mục cho vay của VIB gần như không có nhiều thay đổi khi bán lẻ vẫn chiếm khoảng 90% danh mục tại cuối quý III/2022.
Về cơ cấu huy động, tiền gửi từ khách hàng tăng 8,9% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi không kỳ hạn giảm 8,6% và tiền gửi có kỳ hạn tăng 12,2% so với cuối năm 2021. Điều này khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp 13,7%.
Báo cáo phân tích của MBS cũng cho biết, ROA và ROE trong 9 tháng năm 2022 đạt lần lượt 2,4% và 30,4%, dẫn đầu về ROE toàn ngành.
MBS duy trì khuyến nghị mua đối với VIB, tuy nhiên điều chỉnh giảm mức giá mục tiêu xuống còn 27.700 đồng/CP so với mức 34.900 đồng/CP trong báo cáo trước đó. Việc điều chỉnh mức giá mục tiêu của MBS đến từ việc tăng chi phí vốn trong Phương pháp định giá RI và giảm P/E toàn ngành theo sự điều chỉnh của thị trường.