Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Nghiên cứu giống cây chè xanh Việt Nam chất lượng cao

Mục tiêu đặt ra cho phát triển giống cây chè xanh Việt Nam từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là chuyển dịch mạnh về cơ cấu diện tích, thay giống cũ bằng các giống mới cho năng suất và chất lượng cao, quan tâm đến các giống sản xuất các sản phẩm phù hợp với từng loại thị trường khác nhau như Đài Loan, Nhật Bản...  

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: “Viện tập trung vào nghiên cứu cây chè là thế mạnh, nhưng cây chè giống thì rất đa dạng, chỉ được sếp vào 3 loại sản phẩm. Thứ nhất là chè xanh, việc chế biến chè xanh ứng dụng công nghệ chế biến phân biệt với các loại chè khác là diệt men; thứ hai là chè đen, không thể thực hiện quá trình diệt men mà thực hiện quá trình ủ lên men làm cho biến đổi màu sắc và lên men sang màu đen; thứ ba là sản phẩm trung gian như chè Olong, khi hái về không cho diệt men mà lên men ở một điều kiện nhất định sau đó mới đưa vào vò, sấy… ví dụ thêm Hồng trà, chè Vàng nghĩa là trung gian giữa chè xanh và chè đen”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện.

“Đặc biệt, Viện phấn đấu tăng thêm từ 20-25% diện tích sản xuất chè xanh (đưa diện tích giống chè cho sản xuất chè xanh đạt 45-50%), tương đương với khoảng 60-70 ngàn ha (mục tiêu này đã được xác định trong quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Trong những năm gần đây, một số giống chè phù hợp với chế biến chè xanh chất lượng cao đã được Viện chọn tạo như: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, PH8, PH9, PH10, Shan Chất Tiền, Shan Tham Vè, Hương Bắc Sơn, TRI 5.0, LCT1, Lũng phìn 18... Thêm vào đó còn có hàng chục dòng chè triển vọng đang được khảo nghiệm, đánh giá ngoài sản xuất. Năng suất bình quân của các giống chè mới đạt từ 8-10 tấn/ha, chất lượng rất tốt có thể chế biến những loại chè xanh chất lượng cao, các loại chè xanh đặc sản” - ông Toàn chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ngoài cùng bên trái) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình thí nghiệm, trồng và chế biến khảo nghiệm giống chè mới chất lượng cao tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ngoài cùng bên trái) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình thí nghiệm, trồng và chế biến khảo nghiệm giống chè mới chất lượng cao tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Hiện nay, nhu cầu về các giống mới cho sản xuất chè xanh của các địa phương như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La rất lớn. Bình quân mỗi tỉnh nêu trên có kế hoạch trồng mới và trồng thay thế từ 500-1.000ha chè mỗi năm (kế hoạch đến năm 2020), tương đương nhu cầu sản xuất giống cho trồng mới/trồng thay thế khoảng 4-5 ngàn ha chè/năm (khoảng 80-100 triệu bầu chè giống các loại). Theo định hướng chuyển đổi ngành chè hiện nay, chủ yếu sản phẩm sẽ tập trung cho chế biến chè xanh, chè xanh cao cấp phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Hoàn thành được các kế hoạch như trên, hoàn toàn có thể tin tưởng đến năm 2020, diện tích giống chè cho sản xuất chè xanh có thể đạt từ 60-70 ngàn ha (so với khoảng 30-40 ngàn ha như hiện nay). Đây là cơ hội lớn đối với dự án sản xuất giống chè giai đoạn 2016-2020 vì thị trường sản phẩm cây giống đã thực sự rộng mở, có tính khả thi cao.

Ngoài ra, nhiều quy trình trồng trọt, chế biến mới được áp dụng, đặc biệt quy trình công nghệ chế biến chè xanh đặc sản, chè Oolong, chè ép bánh từ các giống chè mới được trồng nhiều ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Cao Bằng. Hoàn thiện và triển khai đồng bộ quy trình sản xuất chè an toàn, với hàng ngàn ha chè đạt chứng nhận cho các vùng chè cả nước. Những tiến bộ khoa học công nghệ mới về chè trong khoảng 20 năm trở lại đây đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân ở các tỉnh trồng chè trọng điểm.

Bên cạnh đó, Viện cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu giống cây cà phê chè, theo khảo nghiệm và xác định được bộ giống cà phê chè thích hợp cho vùng, trong đó 2 giống cà phê mới TN1, TN2 đã được phát triển trồng trên hàng trăm ha thay thế giống cà phê catimor cũ tại Sơn La và Lai Châu. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây cà phê chè, quy trình sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, quy trình kỹ thuật phòng chống và khắc phục sương muối.

TS. Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: “Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng đề tài dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật dài hạn và hàng năm phục vụ sản xuất phát triển, trình Viện và cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Điều tra, thu thập, bảo tồn, phát triển vườn quỹ gen về chè, nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và phát triển giống chè phục vụ yêu cầu sản xuất, phát triển chè ở Việt Nam”.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc được nhân giống các dòng chè chọn lọc.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc được nhân giống các dòng chè chọn lọc.
Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm.
Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Bình, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó, nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học, các biện pháp kỹ thuật (canh tác, phân bón, bảo vệ thực vật...). Xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất chè, phối hợp nghiên cứu thiết bị, công nghệ chế biến sản phẩm và thị trường chè.

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến nông về chè. Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chè. Sản xuất giống chè, nguyên liệu chè và các loại mẫu sản phẩm của giống chè mới, xây dựng và quản lý bảo tàng chè Việt Nam.

Sơn Thủy