Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Đẩy mạnh việc nghiên cứu cây chè giống mới chất lượng cao

Việc nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp. Để hiểu rõ về việc nghiên cứu cây chè giống chất lượng cao phóng viên đã có buổi trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu vài nét về lịch sử hình thành Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc và lĩnh vực nghiên cứu của Viện?

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn: Viện được thành lập vào năm 1918 lịch sử do người Pháp xây dựng và khi người Pháp nghiên cứu về rất nhiều loại cây, nhưng chủ yếu họ tập trung vào những cây mang giá trị công nghiệp để ép dầu lấy sản phẩm để đưa về mẫu quốc nên họ tập trung nghiên cứu vào những cây chè, trẩu, sở…những cây giá trị theo vùng nhiệt đới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện  
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện  

Sau đó, qua rất nhiều năm việc nghiên cứu chỉ tựu chung lại chủ yếu là cây chè, cây có thế mạnh số một ở vùng miền núi phía Bắc. Ngoài ra, họ cũng có những thử nghiệm nghiên cứu cây café như hiện nay vùng huyện Thanh Sơn có mấy trăm hecta café trồng. Đến năm 2005 việc sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu cho phù hợp lúc đó đã thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trên cơ sở là nhập Viện nghiên cứu chè và Trung tâm nghiên cứu café, Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp của miền núi phía Bắc ở tỉnh Yên Bái, cùng Trung tâm nghiên cứu rau củ quả…được nhập thành một về Viện.

Chức năng chính là nghiên cứu các cây trồng chủ lực bao gồm cây chè, cây café và cây ăn quả, cùng với đó là nhiệm vụ rất quan trọng đối với các vùng đất dốc bảo tồn và bảo vệ địa hình đất dốc của khu vực miền núi phía Bắc, các biện pháp kỹ thuật canh tác trồng trọt để giảm được việc xói mòn rửa trôi, trong đó việc trồng cây chè cũng là một giải pháp để tạo nên việc giảm xói mòn rửa trôi đi cho đất.

Hiện tại, Viện nghiên cứu đa cây giống như mô hình Bệnh viện đa khoa là nghiên cứu tất cả các cây trồng ngắn ngày hay dài ngày thích ứng được môi trường khí hậu vùng miền núi phía Bắc. Chủ yếu là tập trung vào các cây dài ngày, đây là thế mạnh của Viện vì có nhiều cán bộ lâu năm và có diện tích đất đai nghiên cứu rộng hơn 250 hecta.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc được nhân giống các dòng chè chọn lọc
Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc được nhân giống các dòng chè chọn lọc

PV: Về nghiên cứu cây giống nào hiện tại ở Viện là thế mạnh nhất, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn: Thực tế Viện tập trung vào nghiên cứu cây chè là thế mạnh, nhưng cây chè giống thì rất đa dạng, chỉ được sếp vào 3 loại sản phẩm. Thứ nhất là chè xanh, việc chế biến chè xanh ứng dụng công nghệ chế biến phân biệt với các loại chè khác là diệt men; thứ hai là chè đen, không thể thực hiện quá trình diệt men mà thực hiện quá trình ủ lên men làm cho biến đổi màu sắc và lên men sang màu đen; thứ ba là sản phẩm trung gian như chè Olong, khi hái về không cho diệt men mà lên men ở một điều kiện nhất định sau đó mới đưa vào vò, sấy… ví dụ thêm chè Hồng Trà, chè Vàng nghĩa là trung gian giữa chè xanh và chè đen.

Nhưng bây giờ do nhu cầu thị trường thì sản phẩm được ưa chuộng, ví dụ vùng Tây Á họ thích uống chè đen, còn Trung Quốc thì thích uống sản phẩm chè xanh.

Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm
Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm

PV: Thưa ông, việc nghiên cứu thuộc Viện trong thời gian qua và trong thời gian tới sẽ được thực hiện ra sao?

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn: Thời gian tới Viện sẽ phát triển theo hướng là nâng cao chuỗi giá trị, trong chuỗi giá trị đó thì phải đi từ giống cho đến sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu và nội tiêu. Hiện tại thì không thể có loại chè ngon mà chất lượng cao nếu như không có cây giống tốt. Ví dụ, trên thế giới sản phẩm gì gắn với cây giống đó, như Trung Quốc một cây giống có thể trở thành một thương hiệu toàn thế giới. Trước đây chúng ta thường chế biến chè đen nên giống nào cũng đưa vào miễn có màu đen là được chính vì vậy thị trường và thương hiệu chè của mình không đáp ứng được, cho nên chè Việt Nam chủ yếu mua nguyên liệu.

Sản phẩm chè chất lượng cao được giới thiệu tới người tiêu dùng
Sản phẩm chè chất lượng cao được giới thiệu tới người tiêu dùng

Trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào nghiên cứu chuỗi giá trị chè để nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc nghiên cứu vào cây giống và chuỗi giá trị sản phẩm cuối cùng. Nên Viện đã có những đề tài chuyên nghiên cứu về chè xanh, có đề tài chuyên nghiên cứu chè đen…

PV: Việc xảy ra đại dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội ảnh hưởng tới việc nghiên cứu cây giống hay việc chuyển giao cây giống ra sao?

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn: Người dân ở địa phương cũng ít di chuyển, vậy nên công việc chuyển giao cây chè cũng tiến hành được. Nhưng phía Viện chỉ thay đổi cách là không tập trung đông người thôi, cùng với đó tăng cường tần suất nên vẫn đến từng hộ nông dân cầm tay chỉ việc được. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 việc giãn cách xã hội chỉ có hơn chục ngày cũng không nhiều, vậy nên người nông dân cũng có ảnh hưởng nhưng nói chung là ảnh hưởng ít hơn so với những ngành nghề lĩnh vực khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sơn Thủy - Xuân Sỹ