Tọa lạc trong một con ngõ trên đường Xuân Quỳnh (Hà Nội), Viet Link Tea là một thương hiệu trà cao cấp, dành cho những người yêu trà và muốn khám phá những hương vị tinh tế của trà Việt Nam và thế giới. Mang trong mình sứ mệnh lan tỏa giá trị trà Việt Nam, Viet Link Tea không chỉ đem đến những phẩm trà ngon, mà còn gói trọn những ước mơ, tâm tư và tình yêu thương của người làm chè vào từng phẩm trà đặc biệt.
Viet Link Tea tự hào về vùng trồng trà cổ thụ 200 năm tuổi ở Hà Giang, nơi có điều kiện lý tưởng để tạo ra những phẩm trà đặc biệt. Viet Link Tea cũng sử dụng những công nghệ hiện đại để bảo quản và chế biến trà, mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao nhất. Viet Link Tea là câu chuyện về sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa người Việt và thế giới qua ly trà.
Được sáng lập bởi Hoa hậu Lâm Diệu Linh, một người có niềm đam mê sâu sắc với trà Việt Nam, với khát khao được mang lá trà cổ thụ tinh tuý của Việt Nam đến với được nhiều người hơn, cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, chị Linh còn là người có kinh nghiệm pha trà và thưởng trà lâu năm, chị luôn muốn được đem tình yêu và kiến thức về trà tới với mọi người.
Hoa hậu Lâm Diệu Linh cho biết tên gọi của quán mang ý nghĩa là sợi dây gắn kết mọi người với văn hóa trà đạo. Theo đó, tên thương hiệu được ghép từ ba chữ Viet, Link, và Tea. Trong đó, Viet có nghĩ là người Việt, là tinh thần Việt chảy trong huyết quản mỗi người dân, là tình đồng bào đồng chí giữa mọi người; Link là liên kết, kết nối mọi người với nhau qua chén trà, qua những câu chuyện về trà, và không chỉ vậy qua chén trà mọi người có thể kết nối với nhau bằng cả sở thích và công việc; Tea là hẳn nhiên là Trà, nhưng ko chỉ vậy nó còn để chỉ điểm chung giữa những người yêu trà, điềm nhiên, tĩnh tại.
Trước khi tìm hiểu và đi sâu vào văn hóa trà đạo, chị Diệu Linh đã từng có một khoảng thời gian không thích trà: “Lúc đầu tôi vốn không thích trà, trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thì trà là một thức uống khá chát và khó uống. Nếu như không quen dễ bị say và cồn cào, khó chịu. Nhưng bố tôi lại thích uống trà. Hằng ngày, việc ông làm đầu tiên sau khi thức dậy là pha những ấm trà đặc. Hàng xóm cũng hay sang nhà tôi chơi nên tôi sẽ thường phải đi nấu nước pha trà. Vậy nên, tôi càng ghét trà hơn”.
Việc thưởng trà giống như tìm hiểu một người. Có thể lúc đầu khi chưa biết gì về họ thì những sự hiểu lầm, không ưa rất dễ xảy ra. Nhưng khi đi sâu vào nội tâm của người đó, cũng là lúc bắt đầu hiểu đối phương và dành tình cảm đặc biệt cho họ. Mối quan hệ của chị Linh và thức uống này cũng vậy, càng tìm hiểu thì chị càng yêu thứ mình “từng rất ghét” này: “Thông qua trà tôi như được nhìn thấy những câu chuyện, bài học khác nhau trong cuộc sống” - chị Linh tâm sự.
Chuyện trà cũng là chuyện người, chị Linh nhận ra rằng, cuộc sống của con người cũng như quy trình để cho ra những ấm trà đậm đà hương vị. Để có một buổi thưởng trà trọn vẹn, cần đủ 5 tiêu chí: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Một tách trà tuyệt vời là có cả thảo và mộc vì nó sẽ vừa có hương vừa có vị. Thảo là phần lá bên ngoài, mộc là phần gân, phần xương sống. Nếu như trà chỉ có một trong hai thứ là hương hoặc vị không thì sẽ không còn là một tách trà hoàn hảo nữa.
Cũng giống như trà, để một người có thể thành phiên bản tốt nhất của mình, họ bắt buộc phải đi qua nhiều cung đường và bài học:“Nếu như con người ta sinh ra chỉ học lớp mẫu giáo, không có sự khắt khe và quy củ thì cuộc sống sẽ chỉ dừng lại ở đó và là một màu tẻ nhạt. Nhưng khi bản thân trải qua nhiều mốc hành trình khác nhau, như việc học lớp 1 sẽ được học những bài học của lớp 1, khi học lớp 12 sẽ được trang bị những hành trình của lớp 12. Lúc va vấp vào đời sẽ được học những bài học của người trưởng thành. Việc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, bài học sẽ giúp cho mình có được sự giàu có, phong phú về kinh nghiệm lẫn kiến thức trong cuộc sống”.
Chị Linh đã bắt đầu hành trình của mình bằng việc đi khắp các vùng trồng trà ở Việt Nam, để tìm hiểu và lựa chọn những loại trà tốt nhất. Chị cũng đã học hỏi, nghiên cứu những phương pháp chế biến, bảo quản trà từ những chuyên gia trong và ngoài nước. Chị đã thành lập Viet Link Tea với mong muốn mang lại cho khách hàng những sản phẩm trà cao cấp, an toàn và chất lượng. Chị Linh không chỉ là người sáng lập, mà chị luôn quan tâm và chăm sóc cho từng thành viên trong đội ngũ, để tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và hạnh phúc.
Qua việc tiếp xúc với những lá trà, nghệ nhân trà đạo xinh đẹp cũng thấy được việc nuôi dưỡng để cho ra những lá trà tươi ngon giống như việc chăm sóc cho một mối quan hệ giữa người với người. Dù là người hay cây thì chỉ khi biết cách quan tâm, chăm chút mới có thể phát triển được.
Trong quá trình nghiên cứu về trà đạo, chị Linh đã không coi trà là một thức uống đơn thuần, mà xem nó giống như biểu hiện của bách thái nhân sinh, đối với mỗi người mà trà sẽ có vị khác nhau. Thật vậy, dù trà có nhiều loại khác nhau: Trà xanh, hoàng trà, bạch trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà… trà theo vùng, các Danh trà nổi tiếng không thể nào kể hết nhưng tùy theo mỗi người yêu trà mà sẽ có cách để thưởng thức, bình phẩm. Thưởng trà cũng phản ánh lên nội tâm của một người. Uống trà, biết ý vị. Luận trà, biết tâm tư. Mỗi người bởi vì nguyên nhân tính cách khác nhau mà sẽ thích trà thanh đạm, ngọt hậu, đắng cay, nhẹ nhàng...
Thăng trầm với nhiều cung bậc cảm xúc trong hành trình sự nghiệp, Hoa hậu Lâm Diệu Linh trải lòng: “Xuất phát từ niềm đam mê với trà Việt và nhận thấy các phẩm trà của Việt Nam có chất lượng không thua kém so với các loại trà của các quốc gia khác trên thế giới. Và đồng thời trực tiếp chứng kiến được những quy trình sản xuất nghiêm ngặt để cho ra đời các sản phẩm trà vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có giá trị tinh thần mang bản sắc Việt. Điều đó khiến tôi muốn lan tỏa giá trị đích thực của những phẩm trà quý hiếm Việt Nam này tới cộng đồng yêu trà trong và ngoài nước”.
Trà cũng thể hiện được văn hóa, lối sống của một vùng miền, quốc gia: “Ở Nhật Bản, các công đoạn, chi tiết của Trà đạo đều tìm tới sự hoàn hảo trong những thứ cực kỳ giản dị. Giống như con người nơi đây họ có phong cách sống khá kín đáo và thư thái”. - chị Linh chia sẻ.
Nghi lễ Trà đạo của người Nhật thể hiện rất rõ 4 đặc điểm: “Hòa - Kính - Thanh - Tịnh” (Hòa là hòa đồng, hòa điệu, hòa nhã. Kính là kính trọng lẫn nhau. Thanh là sự thanh sạch và Tịnh là sự tĩnh lặng). Đây như là một nét tinh khiết và hài hòa tô điểm vào cuộc sống của họ, hoàn thiện những điều không hoàn hảo trong cuộc đời này.
Khác với đạo trà Nhật Bản, người Trung Quốc lại xem đây như một nghệ thuật sáng tạo. Dưới bàn tay của những nghệ nhân trà Trung Hoa rất nhiều hình thức thưởng trà ra đời.
Nghệ thuật uống trà của người Việt cũng đã xuất hiện từ thời xa xưa. Việt Nam cũng là một trong những nước trồng cây trà sớm nhất thế giới. Nhưng thay vì tôn thành Trà đạo, cầu kỳ như Nhật Bản, Trung Quốc thì văn hóa này ở Việt Nam lại mang hơi thở của sự giản dị, mộc mạc, đơn sơ khi chỉ là một cái chõng tre cùng ấm tích ngày xưa.
Bên chén trà, những câu chuyện được khơi mở và chảy trào. Cũng trên chính bàn trà ấy, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, không khí gia đình trở nên ấm cúng, mối quan hệ giữa người với người trở nên đậm sâu. Ấy vậy, các cụ mới có câu: “Tách trà là đầu câu chuyện”, “Khách đến nhà không trà thì rượu”.
Dù là người Việt sống ở vùng núi cao, trung du đồi núi hay vùng đồng bằng, sông nước thì thói quen uống trà như một thói quen hàng ngày như ăn cơm vậy. Thói quen ấy như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: Củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà.
Song hành cùng với thời gian, trà trong văn hóa Việt từ cái chõng tre, ấm tích đơn sơ dần phát triển để phù hợp với thời đại nhưng không mất đi bản sắc vốn có của nó. Không khó để nhận ra rằng, trà đạo đang được nhiều người đón nhận và tìm đến nhiều hơn. Những buổi tiệc trà được tổ chức công phu tại các sự kiện, hội nghị quan trọng. Các quán trà đạo được thành lập với số lượng nhiều hơn trước. Chị Diệu Linh nhận định rằng, kinh doanh trà là một xu hướng đón đầu, dù có thể có lúc khó khăn nhưng việc kinh doanh cũng như một cái cây. Việc của mình là trồng từ từ để nó phát triển từ gốc cho đến ngọn.
Thưởng trà là một thú vui thanh tao, phù hợp với những người muốn sống chậm, tìm kiếm sự bình yên nguyên thủy trước sự hối hả của dòng đời. Qua những lời kể của chị Diệu Linh, trà dường như trở nên sâu sắc hơn. Hiểu hơn về trà, ta sẽ thấy trà không chỉ là vị, là thức uống mà nó còn là cả một câu chuyện…