Cụ thể, tính tới cuối tháng 12/2023, số triệu phú ở Việt Nam là 19.400 cá nhân, tăng 98% trong 1 thập kỷ. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trên toàn cầu, cao hơn mức tăng của Trung Quốc (xếp thứ 2 trong danh sách, +92%), Ấn Độ (xếp thứ 4, +85%), hay các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (xếp thứ 5, +77%).
Việt Nam hiện có gần 20.000 triệu phú. Báo cáo theo dõi các cá nhân sở hữu khối tài sản lớn, có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên. Số liệu được làm tròn đến hàng trăm gần nhất và đại diện cho cư dân mỗi quốc gia tính đến tháng 12/2023.
Trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới với hơn 5,4 triệu triệu phú, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng triệu phú nhanh nhất toàn cầu. Con số 98% được cho là đã phản ánh rõ ràng nhất sự phát triển kinh tế vượt trội của Việt Nam, bất chấp suy thoái thế giới. Xu hướng tích lũy tài sản cũng đang tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ 10 năm qua tạo ra hàng trăm nghìn triệu phú mới. Trung Quốc hiện sở hữu tổng cộng gần 1 triệu triệu phú, xếp sau Mỹ với 5,4 triệu triệu phú.
Ngược lại, Vương quốc Anh ghi nhận sự sụt giảm nhẹ tổng số triệu phú trong suốt 1 thập kỷ. Hậu Brexit cùng những bất ổn kinh tế khác được cho là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm. Rất nhiều thách thức mà Anh đang phải đối mặt.
Các quốc gia châu Phi như Nigeria và Nam Phi chứng kiến dân số là triệu phú giảm, một phần do tình trạng di cư và bất ổn kinh tế. Cuộc đấu tranh chống mất giá tiền tệ của Nigeria đã tác động sâu rộng đến tầng lớp những người giàu có nhất nước này, trong khi Nam Phi chứng kiến số lượng triệu phú giảm đáng kể 20%.
Tốc độ tăng trưởng triệu phú của Việt Nam cao, một phần do mức nền so sánh ban đầu thấp, chỉ gần 9.800 người hồi năm 2013. Tuy vậy, New World Wealth và Henley & Partners cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng triệu phú ở Việt Nam phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn báo cáo đánh giá (2013-2023), trừ hai năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Đặc biệt, năm 2022 - thời điểm khi dịch bệnh được khắc phục, kinh tế hồi phục, GDP tăng 8,02% - mức kỷ lục trong hơn 10 năm. Mức thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm báo cáo đánh giá cũng tăng gần 2,2 lần, từ mức 1.960 USD một người vào 2013 lên 4.284 USD năm 2023. GDP bình quân đầu người tăng phản ánh tính năng động của nền kinh tế.
Trước đó, New World Wealth cũng dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, đến 125% trong 10 năm tới. Nhà phân tích Andrew Amoils của đơn vị này đánh giá con số trên là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Tiến Hoàng