Cụ thể, ở kỳ hạn 1 tháng, Agribank duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 3%/năm như trước. Với kỳ hạn 3 tháng, khách hàng sẽ chỉ còn nhận được lãi suất 3,5%, giảm 0,3% so với lần điều chỉnh gần nhất.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất được hạ xuống còn 4,5%, giảm 0,2 %. Ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này đã đưa lãi suất tiền gửi từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức điều chỉnh 0,3 %.
Ở kỳ hạn 13 - 24 tháng, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 5,5%/năm.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới, giảm khá mạnh từ hôm nay (14/9).
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất hiện nay của Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này đã giảm 0,3% so với trước.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại quầy cũng giảm 0,2 % xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3% xuống 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.
Đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng của ngân hàng cũng giảm 0,3% xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4,5%/năm, giảm 0,2%.
Với việc Agribank và Vietcombank cùng nhau giảm lãi suất huy động, giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào đợt giảm lãi suất huy động tiếp.
Lãi suất huy động giảm mạnh trong vài tháng qua trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7%/năm và chỉ còn một số ít nhà băng sẵn sàng trả mức này.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân cũng đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng so với vài tháng trước đây. Cụ thể, ABBank chỉ còn áp dụng mức 5%/năm; ACB 5,3%/năm; SeABank 5,5%/năm; Techcombank 5,75%/năm.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2023, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu. Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022.
Mặc dù tín dụng đã hồi phục trở lại trong tháng 8/2023 khi tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%), song vẫn còn xa so với mục tiêu ngành đề ra năm nay là 13-14%.
Được biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã có 21 ngân hàng giảm lãi suất gồm: Eximbank, BacA Bank, PG Bank, Saigonbank, MB, OCB, Sacombank, SHB, GPBank, Techcombank, ACB, Nam A Bank, KienLongBank, TPBank, CBBank, MSB, VietA Bank, BaoVietBank, PVCombank, Agribank, Vietcombank.
Trong đó, ACB, Techcombank, Eximbank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng 9.
Theo giới chuyên gia, đà giảm của lãi suất huy động tiếp tục được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra rất chậm.
Tiến Hoàng