Cụ thể, theo VCBS, sau khi hoàn thành thoái vốn nhà nước và ổn định bộ máy, VCG đã thúc đẩy mạnh mẽ trở lại lĩnh vực xây dựng với việc trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn với chất lượng thi công được đánh giá cao. VCG sở hữu lợi thế tốt để cạnh tranh: (1) Quy mô lớn, hệ thống trải khắp cả nước và nguồn lực tài chính dồi dào; (2) Hiệu quả dòng tiền tại dự án cao hơn đáng kể so với các đối thủ.
Thứ hai là tham vọng tại lĩnh vực bất động sản. Mảng bất động sản sẽ được VCG đẩy mạnh trong các năm tới nhằm tận dụng các lợi thế: (1) Quỹ đất lớn và vị thế cao trong đấu thầu phát triển dự án, thậm chí các dự án tại vùng lõi đô thị; (2) Kinh nghiệm phát triển bất động sản của nhóm cổ đông lớn.
Báo cáo phân tích của VCBS cũng cho biết, tiến độ đầu tư dự án có thể chậm lại trong giai đoạn 1-2 năm tới do sự chững lại của thị trường. Tuy vậy khả năng tạo dòng tiền và tiềm năng dài hạn của các dự án là khá tốt xét đến: (1) Các dự án đang mở bán sở hữu vị trí thuận lợi và đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân; (2) Dự án trọng điểm Amatia Cát Bà hưởng lợi từ cơ chế đặc thù cho TP.Hải Phòng.
Lợi thế từ chuỗi giá trị được VCBS đưa ra: VCG sở hữu mảng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (xi măng, bê tông thương phẩm, cấu kiện xây lắp…) với mức đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận gộp.
Cũng theo VCBS, mô hình phát triển chuỗi giá trị đầy đủ trên một tuyến hạ tầng giao thông (Cung cấp vật liệu xây dựng – Xây lắp – Đầu tư hạ tầng – Bất động sản) khá thành công tại dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. VCG dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trên và giúp doanh nghiệp sở hữu năng lực vượt trội trong khai thác dòng tiền và tối ưu lợi ích kinh tế trên các gói thầu xây dựng.
Định giá theo phương pháp P/P và phương pháp FCFF, VCBS đưa ra giá mục tiêu cho VCG là 23.298 đồng/CP và khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.