Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vừa thông báo về ngày cuối cùng để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 của năm 2022 bằng tiền.
Cụ thể, doanh nghiệp đưa ra phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 14%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 1.400đồng. Thời gian chốt danh sách vào ngày 23/12/2022.
Với gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Vinamilk sẽ chi khoảng 2.926 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Ngày thanh toán dự kiến là 28/2/2023.
Trước đó, trong tháng 8, Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 với tỉ lệ 15% bằng tiền và phần cổ tức còn lại của năm 2021 (9,5%) với tổng tỉ lệ 24,5% bằng tiền mặt, tương ứng 2.450 đồng/cp. Như vậy, tổng hai đợt này, Vinamilk chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng cho các cổ đông.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 16.079 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng 5% lên 9.729 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 39,4%. Đây là mức biên lãi gộp thấp nhất của Vinamilk kể từ quý 1/2015.
Doanh thu tài chính và các khoản chi phí bán hàng, chi phí doanh nghiệp không biến động nhiều trong khi chi phí tài chính tăng từ 63 tỷ đồng lên 143 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 50 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm từ 15 tỷ đồng xuống 5 tỷ đồng.
Kết quả, Vinamilk mang về lợi nhuận sau thuế 2.323 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đầu ngành sữa ghi nhận doanh thu 44.887 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.708 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
VNM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất cho năm 2022 là 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 105% và 93% so với năm 2021. Như vậy sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 68% mục tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản của Vinamilk tại thời điểm cuối quý 3/2022 là 51.200 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giảm đáng kể là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (từ hơn 21.000 tỷ đồng xuống hơn 19.500 tỷ đồng) và hàng tồn kho (từ 6.773 tỷ đồng xuống 5.777 tỷ đồng).
Ngược lại, giống như nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn khác, công ty tăng nắm giữ tiền mặt lên 2.867 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng, tài sản dở dang dài hạn cũng ghi nhận tăng.
Về nợ phải trả, con số tổng cộng là 17.355 tỷ đồng, giảm chút ít so với đầu năm. Trong đó vay ngắn hạn chiếm 9.405 tỷ đồng, vay dài hạn 72 tỷ đồng.
Đây đều là các khoản vay bằng USD từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh TP. HCM, MUFG Bank chi nhánh TP. HCM, Mizuho Bank chi nhánh TP. HCM, HSBC Việt Nam... Trong kỳ, công ty phát sinh khoản vay trị giá 2.338 tỷ đồng từ DBS Bank (Singapore).