Bộ phận phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với CTCP Vĩnh Hoàn. Trong đó, VDSC cho biết giá bán cá tra cao thúc đẩy doanh thu tháng 8 tăng 19% n/n.
Doanh thu tháng 8 tăng 19% n/n chủ yếu nhờ giá bán trung bình cá tra tăng mạnh
Báo cáo VDSC cho biết, bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm giảm một nửa công suất hoạt động, doanh thu tháng 8 tăng 19% n/n đạt 735 tỷ đồng, nhờ giá bán trung bình phi lê tăng cao tại thị trường Mỹ. Vì tồn kho cá tra phi lê của VHC đủ cho xuất khẩu trong hai tháng, theo ước tính của VDSC, sản lượng xuất khẩu cá tra chỉ giảm 7% n/n so với mức giảm hơn 30% n/n của ngành trong tháng này.
Trong khi đó, giá bán cá tra trung bình của VHC tăng 25% n/n đạt 3,32 USD/kg, được thúc đẩy bởi nhu cầu ăn uống dồi dào cuối năm của Mỹ và sự thiếu hụt nguồn cung phi lê đang đẩy giá xuất khẩu lên. Doanh thu lũy kế 8T2021 tăng 24% n/n đạt 5.682 tỷ đồng, hoàn thành 66,1% kế hoạch của VHC và 64,8% dự báo doanh thu cả năm của VDSC.
- Trong tháng 8, doanh thu cá tra đạt 477 tỷ đồng, tăng 16% n/n, nhờ giá bán phi lê cao.
- Doanh thu collagen và gelatin tăng 26% n/n và 14% so với tháng trước, đạt 68 tỷ đồng, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm C&G đang dần hồi phục.
- Doanh thu phụ phẩm tăng 19% n/n đạt 135 tỷ đồng trong khi doanh thu giá trị gia tăng giảm hơn một nửa do công suất chế biến thấp.
- Doanh thu SGC đạt 30 tỷ đồng, giảm mạnh 34% so với tháng trước. Doanh thu xuất khẩu sang EU giảm 48% so với tháng trước được bù đắp một phần nhờ doanh thu nội địa tăng 63% so với tháng trước. Nhu cầu về kênh thương mại hiện đại tăng đột biến trong giai đoạn giãn cách của Việt Nam đã mang lại lợi ích cho SGC nhờ cung cấp sản phẩm cho các chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Thị trường Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu tháng 8
Cũng theo VDSC, doanh thu xuất khẩu của VHC sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng 41% n/n đạt 294 tỷ đồng. Trong tháng 8, Mỹ là một trong số ít thị trường ghi nhận tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tăng 11% n/n dù sản lượng xuất khẩu giảm 15% n/n.
Doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 141 tỷ đồng, tăng 24% n/n. Doanh thu xuất khẩu sang EU trong tháng 8 giảm 4% n/n, ở mức 113 tỷ đồng. Nếu không tính đến sự đóng góp của SGC, doanh thu xuất khẩu của công ty mẹ sang EU đã giảm 20% n/n. Theo VHC, do công suất hoạt động thấp khiến sản lượng chế biến phi lê giảm, công ty đã cắt giảm một số đơn hàng các nước khác để ưu tiên cho các đơn hàng xuất khẩu thị trường Mỹ có tỷ suất lợi nhuận cao.
Triển vọng tươi sáng trong 2H 2021 nhờ khôi phục công suất hoạt động và giá bán cá tra cao
Theo VDSC, kể từ ngày 23/9, tỉnh Đồng Tháp đã chấm dứt chính sách giãn cách theo Chỉ thị 16, giúp các công ty sản xuất trong khu vực này khôi phục hoạt động kinh doanh mà không còn quy định “3 tại chỗ”. VDSC kỳ vọng rằng VHC có thể khôi phục công suất chế biến bình thường vào giữa tháng 10 so với 50% công suất hiện tại.
Do đó, VDSC lạc quan về kết quả kinh doanh nửa cuối năm của VHC nhờ sản lượng sản xuất phi lê phục hồi để đáp ứng nhu cầu cao từ thị trường xuất khẩu, kết hợp với xu hướng tăng giá bán trung bình cá tra phi lê đang diễn ra. VDSC dự báo sản lượng xuất khẩu cá tra của VHC sẽ giảm nhẹ 3% n/n trong nửa cuối năm xuống còn 41.310 tấn. Ngược lại, giá bán trung bình cá tra sẽ là 3,36 USD/kg, tăng 31% n/n trong nửa cuối năm.
Nhìn chung, trong Q3/2021, VDSC kỳ vọng chi phí bán hàng & QLDN tăng cao (+215 điểm cơ bản n/n) sẽ được bù đắp bởi lợi nhuận gộp tăng 106% n/n, nhờ sản lượng xuất khẩu cá tra tăng 5% n/n và giá bán bình quân tăng 24% n/n. VDSC kỳ vọng doanh thu và LNST trong Q3/2021 lần lượt là 2.249 tỷ đồng (+25% n/n) và 233 tỷ đồng (+33% n/n).
Cả năm 2021, VDSC dự báo doanh thu và LNST của VHC lần lượt đạt 8.771 tỷ đồng (+25% n/n) và 872 tỷ đồng (+24% n/n), nhờ (1) tăng sản lượng cá tra phi lê xuất khẩu (81.610 tấn, + 9% n/n) và giá bán trung bình (3,13 USD/kg, + 11% n/n), dẫn đến doanh thu phi lê tăng 23% n/n; (2) Doanh thu C&G tăng 16% n/n; (3) Đóng góp doanh thu của SGC là 383 tỷ đồng; và (4) Tăng tỷ suất lợi nhuận gộp (+491 điểm cơ bản n/n lên 19,1%) để bù đắp cho chi phí bán hàng & QLDN tăng 132% n/n.
Thuế chống bán phá giá sơ bộ POR17 sẽ ít ảnh hưởng đến VHC
Báo cáo VDSC cũng cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) xác định sơ bộ thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian từ ngày 1/8/2019 đến hết ngày 31/7/2020 (POR17). Trong số 63 công ty đã được xem xét áp dụng đợt rà soát thuế chống bán phá giá, DOC đã hủy bỏ đợt rà soát này đối với 13 công ty trong đó có VHC. Điều này có nghĩa là các công ty này sẽ duy trì mức thuế chống bán phá giá được công bố trong kết quả cuối cùng của POR16, hay nói cách khác, VHC sẽ tiếp tục được miễn thuế chống bán phá giá.
DOC đã chọn hai nhà xuất khẩu cá tra, ESS (East Sea Seafoods) và NTSF (NTSF Seafoods), làm bị đơn bắt buộc. Kết quả là NTSF được hưởng mức thuế chống bán phá giá bằng 0 trong khi ESS phải chịu mức thuế cao 3,87 USD/kg. Ngoài ra, Green Farms bị áp dụng mức thuế 1,94 USD/kg, thấp hơn so với mức 2,39 USD/kg của kết quả POR16. Nhìn chung, VDSC cho rằng kết quả sơ bộ của POR17 không ảnh hưởng nhiều đến VHC vì NTSF đã được áp mức thuế thấp là 0,15 USD/kg trước đó và thị phần xuất khẩu phi lê của NTSF sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 2%.
Đáng chú ý, DOC đã xác định sơ bộ 15 công ty không có lô hàng nào xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn xem xét, bao gồm ANV (NAVICO) - công ty được ấn định mức thuế 0 USD/kg trong POR16 với tư cách là bị đơn tự nguyện, dựa trên kết quả của VHC. DOC đã không hủy bỏ việc xem xét này đối với 15 công ty này nhưng có ý định tiếp tục xem xét. Điều đó có nghĩa là ANV hiện giữ mức thuế bằng 0 nhưng có thể bị thay đổi trong kết quả POR17 cuối cùng. VDSC cho rằng điều này nhiều khả năng sẽ là tin tích cực cho VHC nếu kết quả cuối cùng của POR17 thay đổi theo hướng bất lợi với ANV vì sẽ cản trở ý định quay trở lại thị trường Mỹ của ANV.