‘Vua trái cây’ Việt Nam thu gần 1,3 tỷ USD

Chỉ trong vài tháng, “vua trái cây” Việt Nam thu về 1,3 tỷ USD.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Không chỉ cuồng ăn sầu riêng tươi, người Trung Quốc còn chế biến rất nhiều món ăn khác nhau và trở thành "hot trend". Thậm chí, họ còn ví sầu riêng là loại quả sang trọng như cherry. Bởi vậy, tại một số địa phương ở Trung Quốc, loại quả này được nhiều người chọn để tặng quà cưới, quà đính hôn.

‘Vua trái cây’ Việt Nam thu gần 1,3 tỷ USD - Ảnh 1

Sầu riêng đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Trung Quốc. Song hiện tại, duy nhất nước ta còn sầu để thu hoạch, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia đã hết mùa. Đây cũng là lý do giá loại trái cây này ở Tây Nguyên tăng mạnh. Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, đó là lợi thế của sầu Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Các quốc gia khác chỉ có một mùa sầu riêng nhất định trong năm, còn ở Việt Nam rải vụ có thu cả năm. 

Cụ thể, vụ sầu riêng ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3, khu vực Tây Nam Bộ vào chính vụ và kéo dài đến tháng 5; tháng 4-7 là thời điểm sầu riêng chính vụ ở khu vực miền Đông Nam Bộ; từ tháng 7-10 là chính vụ của khu vực Tây Nguyên; từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây cho thu hoạch. Chưa kể, quãng đường vận chuyển gần nên chi phí logistics đưa sầu riêng sang Trung Quốc của nước ta rẻ hơn nhiều các đối thủ Thái Lan và Malaysia.

Cùng với những lợi thế trên, lại được xuất khẩu chính ngạch nên sầu riêng chỉ mất đúng 7 tháng để trở thành loại “trái cây tỷ USD” của Việt Nam. Tốc độ này nhanh hơn nhiều thanh long - trái cây đầu tiên của nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD.

Theo thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,07 tỷ USD. Cộng cả tháng 8, loại quả này thu về khoảng gần 1,3 tỷ USD, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của các loại rau quả nước ta.

Dựa vào diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên là 50.000 ha, chiếm 1/2 diện tích sầu cả nước và tổng mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng mang về 1,6-1,7 tỷ USD trong năm nay. Nếu đạt được con số này, sầu riêng sẽ trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, ông Nguyên tính toán.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu làm tốt khâu vùng trồng cũng như đóng gói, 10 năm tới nước ta không cần lo lắng về thị trường cho sầu riêng. Bởi, Trung Quốc mới đang trồng thử nghiệm, quả ăn khá nhạt. Muốn thành công cũng phải mất 10 năm, vì sầu trồng vài năm mới cho thu hoạch. Sầu riêng từ Philippines, Thái Lan chỉ có theo mùa, còn Malaysia mới chỉ được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hàng đông lạnh. Thế nên, tiềm năng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn rất lớn.