Vùng trà phương Nam

Nếu những vùng trà miền Bắc nổi bật về hương vị thì vùng trà phương Nam có một nét đặc trưng hiếm có. Nhắc đến vùng trà phương Nam, người ta sẽ nghĩ đến những đồi chè xanh ngút tầm mắt với vị trà mang trọn hương vị núi rừng.

Lịch sử vùng chè phương Nam

Lâm Đồng có diện tích trồng trà lớn nhất Việt Nam, với 23.876 ha chè. Cây trà xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó theo quá trình hình thành và phát triển, trà đã có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau năm 1930, khi thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành con đường QL 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn. Đây là một trong những loại cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất này và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình, bắt đầu từ những đồn điền của người Pháp vùng Bảo Lộc như: Felit B’lao, B’lao Sierré…

Vào những năm của thập niên 80, cây trà tiếp tục được trồng trọt trên những mảnh đất được tự người nông dân khai phá. Giống trà cũng như kĩ thuật trồng trọt chủ yếu thông qua phương thức truyền đạt kinh nghiệm của những người đã từng làm việc cho các đồn điền trà ngày trước của Pháp, phương thức gây giống khá đơn giản, chủ yếu lấy quả của các cây trà rồi ươm hạt nảy mầm. Đến những năm 90 bắt đầu xuất hiện giống chè mới.

Từ đó đến nay, vùng trà phía Nam dần hình thành, người dân sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương tăng lên. Một thế giới riêng của những người làm trà trên vùng đất bazan được mở rộng. Giờ đây, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở vùng đất này. 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vùng trà trứ danh

Cách TP. Đà Lạt 110km về phía tây nam, vùng trà Bảo Lộc (Lâm Đồng) được biết đến với thương hiệu B’Lao nổi tiếng trong và ngoài nước.

Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa tuy nhiên chịu tác động của địa hình núi cao nên khí hậu nơi đây mang những đặc trưng dễ chịu, mát mẻ quanh năm. Những nông trường với sắc trà xanh mát tận lưng trời trên cao nguyên lộng gió luôn nức tiếng về hương vị và chất lượng trà.

Bảo Lộc có điều kiện lý tưởng cho những cây trà sinh sôi và phát triển không ngừng. Trong các tỉnh thành Việt Nam, vùng đất này được đánh giá là nơi có thể trồng những giống trà cao cấp. Đặc biệt cho ra những dòng trà ôlong tuyệt vời nhất. Bên cạnh đó là những dòng trà ướp hương nổi tiếng làm nên thương hiệu trà xứ phương Nam bao đời.

Cây trà hấp thu những tinh chất đầy đủ mà hiếm có từ đất bazan huyền diệu của miền cao nguyên xứ Bảo Lộc để sinh trưởng, cho ra những búp trà non mơn mởn. Hương vị trà Bảo Lộc luôn mang vẻ tươi mới riêng biệt không hòa lẫn, khiến người ta có thể chìm đắm miên man như đang chạm tay phải dải lụa mềm phủ hương. 

Trong những năm gần đây, Bảo Lộc không chỉ tập trung vào công nghiệp phát triển trà trong nước mà còn tận dụng những lá trà ngon để xuất khẩu nước ngoài. Vì vậy mà Bảo Lộc trở thành thương hiệu sản xuất trà lớn nhất nước ta.

Anh Lâm Tuyền - Tổng Giám đốc công ty Trà Phước Lạc chia sẻ: “Người làm trà nào cũng biết, trà ngon hay dở quyết định tới 70% chất lượng trên cánh đồng. Chăm tốt, chăm chuẩn, cây cho búp trà ngon, gần như quyết định chất lượng của mẻ trà”.

Trà ôlong Phước Lạc chủ yếu dùng để xuất khẩu, thị trường chính là Đài Loan, Trung Quốc. Với mong muốn để người trong nước biết hương vị ôlong chính tông, Phước Lạc cũng bắt đầu bán nội địa.

“Công ty luôn đáp ứng đầy đủ, nhiệt tình với mong muốn người yêu trà được thưởng thức những búp trà ôlong đúng vị. Và phát triển mạnh cây trà cũng là cách góp phần duy trì thương hiệu trà xứ cao nguyên đầy gió này” anh Tuyền chia sẻ thêm.

Không những thế, ngành du lịch tại Bảo Lộc cũng phát triển hơn hẳn bởi những đồi chè xinh đẹp nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của du khách.

Vùng chè Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng - vùng đất B’lao xưa của cao nguyên, gần một thế kỷ qua cây chè vẫn lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Qua dòng chảy thời gian, hương trà Bảo Lộc vẫn toả hương ngọt mãi và xứ trà phương Nam cũng dần khẳng định mình.

Hương Trà