Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Long An, tổ chức vào ngày 20/6, ở thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm. Điểm khác thường nữa là thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016. Mức độ gay gắt và liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô. Độ mặn ở các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt từ tháng 2 đến tháng 5. Hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Cục Trồng trọt cho biết: Về sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL. Với vụ lúa mùa 2019, diện tích bị thiệt hại trên đất lúa tôm chủ yếu ở tỉnh Cà Mau 16.500/176.700 ha, trong đó mất trắng 14.000 ha.
Đối với vụ đông xuân 2019-2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng (chiếm tỷ lệ 2,7%). Trong đó, thiệt hại mất trắng 26.000 ha ở các tỉnh Trà Vinh 14.300 ha, Tiền Giang 4.500 ha, Sóc Trăng 4.100 ha, Kiên Giang 1.600 ha, Long An 800 ha, Cà Mau 600 ha. Diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chủ yếu ở những nơi xuống giống muộn sau tháng 12/2019, do người dân tự phát thực hiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Riêng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650 ha, gồm: Long An 2.397 ha, Tiền Giang 2.297 ha, Bến Tre 931 ha, Vĩnh Long 740 ha, Trà Vinh 267 ha, Sóc Trăng 18 ha, trong đó thiệt hại mất trắng khoảng 355 ha.
Cây rau màu, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 1.241 ha, trong đó Long An 100 ha, Tiền Giang 810 ha, Bến Tre 168 ha, Trà Vinh 87 ha, Sóc Trăng 44 ha, Cà Mau 32 ha, trong đó thiệt hại mất trắng 541 ha.
Đối với nuôi trồng thủy sản, diện tích bị thiệt hại khoảng 8.715 ha nuôi cá truyền thống và tôm, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Ảnh hưởng nước sinh hoạt trong đợt hạn, mặn vừa qua khoảng 96.000 hộ. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ so với năm 2015-2016.
Chỉ đạo sát sao, giảm thiểu thiệt hại
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, thời gian tới, do tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, yếu tố tác động từ thượng nguồn và một số yếu tố khác sẽ tiếp tục tác động tổn thương đến sản xuất, đời sống dân sinh.
Vấn đề cốt lõi là tìm ra những đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực, mà còn khai thác được những lợi thế, nâng cao giá trị do thay đổi được trục sản xuất, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng. Đây mới là mục tiêu cuối cùng hướng đến trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể. Từ mùa hạn mặn này chúng ta đúc kết được những bài học quý giá cho thời gian tới.
Trước hết, việc dự báo xâm nhập mặn được thực hiện tốt; trong đó, việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn giúp việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.
Cùng với đó, sự chỉ đạo điều hành sát sao của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành đã giúp các địa phương và các cơ quan liên quan có kế hoạch thực hiện sớm các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
“Chúng ta nhận dạng sớm các thách thức này. Ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai một hội nghị đến các đồng chí lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL bàn những nhóm giải pháp để ứng phó. Vì vậy, khi xảy ra hạn mặn chúng ta đã giảm thiểu được thiệt hại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân có kinh nghiệm từ năm 2016 nên rất chủ động ứng phó. Chúng ta đồng bộ nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn, mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời đưa vào sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này.
Cùng với đó, việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Việc nạo vét lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn cho gần 400 nghìn ha đất nông nghiệp, giảm thiểu phần lớn thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn.
Việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn giúp người dân chủ động có phương án ừng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, dẫn đến làm thiệt hại giảm thiệt hại rất nhiều.
Đồng thời, việc chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ của người dân ngay trong mùa mưa (bể, bồn, lu, túi đựng nước, thiết bị xử lý nước,…); lắp đặt các vòi nước công cộng; sử dụng các phương tiện di động để chở nước đến từng cụm dân cư, hộ gia đình đã mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân…
Thanh Hằng
Theo Báo Chính phủ