Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), thông tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Tính tổng các đợt phê duyệt, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư ký kết với phía Trung Quốc.
Trong khi, các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh. Tại diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)”, sáng 8/3, ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng, cho biết, năm nay, chỉ riêng sầu riêng doanh nghiệp dự kiến mua 35.000 tấn, trong đó mua từ Việt Nam 15.000 tấn. Cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, giá sầu riêng thu mua tại vườn neo ở mức cao. Các vựa, doanh nghiệp vẫn ráo riết gom hàng với số lượng lớn để xuất sang thị trường này.
Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc), cho biết, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Bên cạnh đó, Thái Lan và Malaysia có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu tốt, quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn. Đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Bởi vậy, Sunwah đề xuất Bộ NN-PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...
Từng nói về xây dựng thương hiệu cho ngành rau quả Việt Nam, bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết thực tế chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu lại rất nan giải.
“Một trái sầu riêng Việt hiện được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng nếu thương hiệu sầu Việt được đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước thì giá sẽ cao hơn. Đơn cử như trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.
Do vậy, bà My khuyến cáo các doanh nghiệp bên cạnh việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, cần chú trọng đến việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm để bán được giá tốt hơn.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan tự nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển. Đây là động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Thực tế, sầu riêng Thái Lan chỉ có theo mùa, trong khi tại Việt Nam sầu cho thu hoạch quanh năm. Cuối năm 2022, sầu Việt được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gần như không gặp cạnh tranh với các thủ khác.
Thực tế, nông sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc rất nhiều. Tuy vậy, hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế. Do đó, vị đại diện của Sunwah cũng đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
“Để thắng trên thị trường thì phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.