Xây dựng thương hiệu vùng chè Lai Châu

Hun hút những con đường như mê hồn trận, ngây ngất màu dã quỳ ấm rực trời đông, phảng phất mùi chè xanh thơm lựng tỉnh táo cả tâm trí… Một Lai Châu phóng khoáng choán ngợp tầm mắt tôi. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, việc phát triển cây chè đã góp phần thay đổi tập quán, tư duy canh tác của đồng bào các dân tộc.

Hương chè Lai Châu

Thú nhất ở đây là mỗi buổi sáng thức dậy, trong hơi sương vẫn còn run run lạnh, xuýt xoa thưởng thức ấm chè ngon với bạn bè tại một quán nhỏ ven đường. Rồi trầm ngâm ngắm nghe tiếng đồng hồ đang chậm rãi gõ nhịp, đếm đo thời khắc bình minh đi qua. Bỗng, anh bạn người Lạng Sơn ồ lên: “Hôm nay mới biết là uống chè cũng rất dễ làm người ta nghiện, sao hương vị chè ở đây thơm ngon thế?”. Mọi người trong bàn đều bật cười, sảng khoái, vì câu nói quá đúng, và quá… hiển nhiên.

Mỗi tách với giọt chè xanh lựng thơm đã quyện hương vị của mùa qua, chắt chiu ngọt lành từ mẹ đất, từ những sợi nắng rát bỏng xứ Tây Bắc. Chè Tam Đường rót vào đêm, đêm với những vì sao trên trảng cỏ bằng phẳng, đêm long lanh sắc màu. Chè kết tinh tình cảm của mọi người bởi sau những buổi tụ tập, trước hay sau khi ăn uống xong không thể thiếu ấm chè nóng, đơn giản vì mình đang sống trên mảnh đất ấy, chè xanh đã trở thành biểu tượng, gần gũi như chính vùng cao này.

Ngay trong dịp thu hoạch chè xanh, đến sân nhà nào cũng thấy vạn búp chè gom nắng để tự mình quắt khô, để nhân thêm vị chát ngọt hậu đậm đà, quyến rũ. Còn đến những khu vườn chè dài bất tận, lại thấy xung quanh chè có rất nhiều câu chuyện lý thú. Khó có thể tưởng tượng vùng đất bao la này xưa kia là trùng điệp đồi chè với những người công nhân từng lên khai mở vùng đất mới theo tiếng gọi của Tổ quốc như lời thơ “Tiếng hát con tàu” do nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.

Bà con nông dân bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hái chè.
Bà con nông dân bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hái chè.

Niềm tự hào của những người công nhân chè từng gắn bó với núi đồi Tam Đường (cũ) rồi lại chứng kiến cảnh các cây chè cằn cỗi, bị cỏ hoang vùi lấp. Thế rồi cũng chính tâm huyết của con người ấy đã hồi sinh cây chè, bàn tay chai sần của người công nhân lại hái từng búp chè xanh non mơn mởn. Năm tháng trôi đi, những công nhân vùng chè tạo nên thương hiệu chè. Trầm thăng cây chè vẫn ngày ngày được bà con nhắc nhớ trong các câu chuyện râm ran mùa thu hái.

Vào mùa vụ, các gia đình có diện tích thu hái chè khá rộng, vì thế, bà con lối xóm rủ nhau đổi công, vài ngày chuyển sang hái ở một nhà, rủ nhau cùng đi, vừa hái vừa chuyện trò rôm rả, không khí đầm ấm như một gia đình lớn. Cảnh vật hữu tình, lòng người chất phác, trong chiều hái chè, tôi bắt gặp một Tây Bắc mộc mạc mà chân tình. Chợt hiểu vì sao vùng đất này đã đi vào thơ, vào văn, vào câu hát, mê hoặc, đắm say, níu hồn người đến thế.

Lai Châu mùa chắt nắng, giọt giọt nắng lạnh rót vào bình yên của ngày. Cũng trên đồi chè thấp thoáng thấy những thân cây xòe tán rộng, vững chãi, vì núi đồi thấp nên cây ngả bóng trên lưng trời. Lúp xúp mặt đất là bông cỏ mảnh mai, ngả vàng, uốn chiều theo gió. Đứng, ngồi, hoặc nằm, cô bạn tôi loay hoay tạo dáng. Trong khuôn hình, cảnh vật đẹp như những trảng cỏ thảo nguyên chỉ thấy trong câu thơ từ nước Nga xa xôi.

Những búp chè non tại vùng chè Shan Tuyết cổ thụ tỉnh Lai Châu.
Những búp chè non tại vùng chè Shan Tuyết cổ thụ tỉnh Lai Châu.

Và từ miên man trở về với thực tại, chúng tôi đi hái “thử” chè nên để tay trần, nghe chừng thích thú lắm! Trong khi bà con hầu hết đều đeo găng tay, song cánh tay vẫn ram ráp, vẫn nhừ mỏi, sần chai vì hái trong rất nhiều ngày. Với những người làm nhanh, kỹ thuật chuẩn phải đáp ứng “một tôm, hai lá”, tuy nhiên với việc hái bằng máy móc hiện nay, một số lá đã già vẫn được cắt khiến tôi băn khoăn, vì như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chè.

Thổ lộ với một vài gia đình có thâm niên hàng chục năm trồng chè, tôi được biết đã gắn với đất, yêu nghề thì còn vô số những mối lo, những băn khoăn tương tự. Nào là đầu ra, ép giá, rồi sự lên xuống thất thường của giá cả. Rồi còn cả chuyện giữ thương hiệu chè khu vực nữa! Quả thực nếu uống ngụm chè chát Tam Đường rồi, khi mua không đúng loại chè sản xuất ở khu vực này uống vào đều cảm nhận được ngay. Nhưng dù đúng là nguồn chè khai thác của vùng, thì cách pha, nguồn nước, cách thưởng thức chè cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chí của một tách chè xanh thơm ngon.

Cũng là điều may mắn khi tôi từng được uống chè ở những vùng đất chè trong tỉnh như huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu và tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu chè của tỉnh. Theo đánh giá chung thì các chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là quảng bá cho thương hiệu chè trong vùng, song tôi thấy dường như vẫn thiếu lửa, thiếu sức hấp dẫn du khách và chưa thực sự cất lên được giá trị đích thực của cây chè - nguồn lợi, đặc trưng của vùng.

Trong thời đại hội nhập, thương hiệu quả là vấn đề long đong cho bất kỳ doanh nghiệp muốn phát triển nào? Tận dụng quảng cáo, tuyên truyền, mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường là mơ ước chung của mỗi Công ty chè, và muốn vậy, chẳng có phương án nào ưu việt hơn việc xây dựng chiến lược đúng đắn để khẳng định uy tín của mình trên thị trường. Đó cũng là lời chúc của tôi cho những Công ty chè mà khách hàng chỉ nhìn lướt qua rồi chuyển sang mua loại có thương hiệu, mẫu mã đẹp, dù có thể chất lượng đằng sau bao bì cũng chỉ ngang nhau?

Cây chè ngắt xanh chứa trong nó rất nhiều những câu chuyện. Thời bây giờ, ấm chè thơm đã đến từng ngõ phố, đến tận những nơi sầm uất với những quán ăn đẳng cấp. Uống chè trong chính vùng đất sản sinh cây chè, rồi miên man một chút với nghề làm chè, chợt thấy mỗi ngày vẫn cần những phút buổi sáng, lắng lòng lại, rồi thưởng cho mình chút tỉnh táo để bắt đầu một ngày mới năng động, sáng tạo và hiệu quả.

Nông dân kỳ vọng làm giàu từ cây chè

Sà Dề Phìn là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, địa danh được ví như “Sa Pa” thứ hai. Nằm ở độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển, Sà Dề Phìn có khí hậu ôn hòa, mát mẻ phù hợp cho du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan. Điều thú vị níu chân du khách tới đây là được thưởng thức hương vị chè cổ.

Xã Sà Dề Phìn có 4 bản, dân số hơn 2.100 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mông, Dao chiếm khoảng 98%. Xã được chia làm 2 vùng, vùng thấp và vùng cao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ bao đời nay, người dân Sà Dề Phìn vẫn tự hào có thứ trà rừng thơm nức tiếng. Vùng chè cổ Sà Dề Phìn hiện có hơn 1.000 gốc. Có cây chè cao từ 5 - 6m, thân chè bằng 2 người ôm, thân cây được bao phủ bởi những lớp rêu mốc thếch ngả màu thời gian. Mỗi năm, vùng chè cổ Sà Dề Phìn thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan, tìm hiểu nét văn hóa của người dân địa phương”.

thực hiện Đề án của huyện Sìn Hồ, xã Sà Dề Phìn sẽ mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn.
Thực hiện Đề án của huyện Sìn Hồ, xã Sà Dề Phìn sẽ mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn.

Khi những ánh nắng ban mai rọi xuống thành các tia ray hình rẻ quạt xuyên qua những thân chè cổ cao vút, khung cảnh trở nên huyền diệu rất đẹp mắt. Nếu như những rừng chè cổ ở Lai Châu như: Mồ Sì San (huyện Phong Thổ), Tả Lèng (huyện Tam Đường), Hô Tra (huyện Tân Uyên) để lên đến nơi, ít nhất phải leo núi mất nửa ngày đường, thì rừng chè cổ Sà Dề Phìn lại nằm ngay phía sau những dãy nhà thưng ván, có mái đá đen óng màu thời gian. Điều này dễ hiểu, vì Sà Dề Phìn ở phía trên cao nguyên Sìn Hồ.

Bản Sà Dề Phìn có số lượng chè cổ nhiều nhất xã. Trưởng bản Sùng Vàng Páo đón tôi bằng bát trà xanh mát lịm sau một quãng đường cuốc bộ. Rồi Trưởng bản Páo dẫn chúng tôi tham quan bản, trao đổi với các hộ dân đang sở hữu những “kho báu xanh” mà thiên nhiên ban tặng. Nhấp ngụm trà xanh mát, Sùng Vàng Páo chia sẻ: “Sà Dề Phìn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm. Vùng đất này là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa bản địa của người Mông, như Lễ hội Gầu Tào, các trò chơi dân gian, nơi có những nếp nhà truyền thống người Mông còn được lưu giữ. Sà Dề Phìn một thời còn là vùng đất hoạt động của du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng huyện Sìn Hồ…”.

Bảo tồn vùng chè Shan tuyết tự nhiên tại tỉnh Lai Châu.
Bảo tồn vùng chè Shan tuyết tự nhiên tại tỉnh Lai Châu.

Tại đây, chúng tôi gặp Mùa Trù Sinh, anh nở nụ cười tươi rói. Nghe bà con nơi này kháo, Sinh là người giàu nhất bản. Hiện, gia đình anh quản lý hơn 500 gốc chè cổ, chưa kể hàng ngàn cây chè nhỡ đang phát triển sau mỗi mùa quả rụng: “Rừng chè này có từ rất lâu, thời ông cha mình đã có rồi. Ngày trước, mỗi đận (lần) đi nương, bố mình thường nghỉ chân hái búp chè nhâm nhi cho đỡ khát. Khi về không quên hái nắm lá về hãm nước uống. Dần dần đã quen thứ nước có vị chan chát. Trước khi về với tổ tiên, bố dặn không được chặt phá những cây chè, nó là thứ quý tổ tiên để lại. Cây chè không chỉ cho trà uống, những cây chè còn để giữ nước, giữ rừng đầu nguồn đấy…”, Mùa Trù Sinh tâm sự.

Thực hiện Đề án Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, Sà Dề Phìn là địa phương nằm trong vùng có cây chè cổ quý. Cùng với việc phát triển là công tác bảo vệ khu bảo tồn chè cổ thụ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Rồi Mùa Trù Sinh đưa chúng tôi lên thăm rừng chè cổ, dẫu mặt trời đã ngả, nhưng nơi đây vẫn bảng lảng sương mù. Trước mắt chúng tôi hiện ra bạt ngàn những gốc chè cổ rêu phong, ẩn hiện trong mây núi. Nghe người già nơi đây kể, vào những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã khảo sát và cho trồng thứ cây quý này rồi. Mùa Trù Sinh lần lượt giới thiệu với chúng tôi về cây chè cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Nay, những thân chè có đường kính cả người ôm đã được các cơ quan chuyên môn đánh dấu, ghi tên bằng sơn đỏ và đưa vào hồ sơ của ngành Văn hóa. Được biết, hiện tại Công ty chè Tam Đường đang thu mua búp chè tươi với giá 100.000 đồng/kg.

Cụ bà Sùng Thị Sếnh hằng ngày có thói quen đi đâu cũng không quên mang bên mình chiếc bình tông nước trà rừng để nguội. Năm nay, ở tuổi ngoài 80 mà đôi chân cụ vẫn leo rừng hàng tuần, đôi mắt cụ còn tinh anh lắm. Cụ kể: “Từ ngày nhìn thấy mặt trời, ta chỉ uống một thứ nước duy nhất là trà rừng Sà Dề Phìn thôi”. Mời chúng tôi bát nước chè xanh, cụ bày tỏ: “Ngày trước, lá chè chỉ để dân bản hái về uống nước hay tắm cho trẻ. Nay có người ở tỉnh vào mua búp chè tươi, bà con trong bản cũng có đồng ra, đồng vào. Già vui lắm! Cái chân không yên. Thấy con cháu ríu rít lên rừng hái chè là già cũng lù cở trên lưng và cây gậy leo núi cùng con cháu. Vị chè cổ ở đây có vị chát đậm, nước xanh, hương thơm và có vị rất riêng so với các nơi khác. Ông bà ta ngày trước vẫn nói, uống chè ở đây chữa được nhiều bệnh…”.

Để “mục sở thị” cách người dân địa phương hãm thứ lá rừng kia như thế nào, chúng tôi về bản Sà Dề Phìn thưởng thức trà xanh do chính tay bà con nơi đây hãm nước. Bếp lửa nhen lên, khi lá chè cho vào ấm, tôi đã cảm nhận được mùi hương thơm rất quyến rũ. Đó là mùi phảng phất của lá chè rừng đặc trưng, một mùi hương riêng có. Nếu ai đã một lần nhấp chén trà nơi đây sẽ khó quên được cái vị ngọt mát, nhẹ nhàng xông lên mũi, một mùi hương thoảng quện trong màu xanh sóng sánh, tinh khiết. Thường đối với trà cổ thụ nước sẽ vàng, nhưng nước của trà Sà Dề Phìn thì lại rất xanh tươi, nhìn thật đẹp mắt. Đưa chén trà lên mũi đã thấy mùi thơm thoảng, một vị ngọt mát lan tỏa trong vị giác, đậm đà dư vị khó quên…

Sản phẩm Trà Xanh, Hồng trà, Hoàng trà của HTX Biên Cương đã được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm Trà Xanh, Hồng trà, Hoàng trà của HTX Biên Cương đã được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cây chủ lực xoá đói giảm nghèo

Ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, vùng chè Shan Tuyết cổ thụ trên dãy núi Phàn Liên San (thuộc địa phận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến nay còn khoảng 6.000 gốc chè cổ thụ mọc phân tán. Huyện Phong Thổ đã xác định chọn làm giống cây chủ lực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Trong đó, tại xã Mồ Sì San là một trong những xã nghèo của huyện Phong Thổ, toàn xã có khoảng hơn 300 hộ dân, trong đó chiếm đến trên 90% là đồng bào người Dao; toàn xã hiện vẫn còn khoảng 78% hộ nghèo. Từ năm 2018 trở lại đây, người dân trong vùng không còn hái chè bán lá cho thương lái nữa, mà đã cùng chính quyền cam kết hái chè theo vụ và bảo vệ rừng chè được gọi là “vàng xanh” trên đỉnh Phàn Liên San.

Cứ từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là vào vụ hái chè, bà con nơi đây lại tập trung cùng nhau hái chè, cùng với HTX Biên Cương tham gia chế biến chè, từ đó có thu nhập ổn định hơn. “Trừ hết mọi chi phí đi, mỗi năm chúng tôi cũng để ra được khoảng 30 triệu đồng”, bà Mẩy chia sẻ.

Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Phàn Liên San.
Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Phàn Liên San.

Ông Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết, “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền xã Mồ Sì San đã chọn cây chè Shan Tuyết là giống cây chủ lực phát triển kinh tế trong thời gian tới để tận dụng và phát huy những lợi thế của địa phương.

Vườn ươm giống chè ở Mồ Sì San.
Vườn ươm giống chè ở Mồ Sì San.

Theo Nghị quyết Đảng bộ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, do đó đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ”. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, Phong Thổ sẽ trồng mới bổ sung 120 ha chè ở các xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San. Khi thu nhập đảm bảo, đồng bào sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, thu hái, chế biến, từ đó cùng làm ra những sản phẩm chè Shan tuyết đặc sắc.

PHI LONG