Theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển du lịch nông thôn được xác định là một nhiệm vụ cốt lõi trong Chương trình “Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Đây là một chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy vai trò chủ thể của người dân địa phương trong việc xây dựng cộng đồng và góp phần vào sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng kêu gọi sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế để xây dựng và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị du lịch nông thôn.
Nhu cầu tìm về thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nông thôn và tham gia các hoạt động nông nghiệp đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã đẩy mạnh loại hình du lịch này, đặc biệt là các vùng có tiềm năng nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Bắc. Tại đây, các tour du lịch gắn với hoạt động trồng lúa, chăn nuôi và sản xuất thủ công được tổ chức để đáp ứng thị hiếu của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, loại hình du lịch này đang trên đà phát triển với tốc độ 10-30% mỗi năm trên toàn cầu và có khả năng chiếm đến 10% tổng số du khách vào năm 2030. Tại Việt Nam, gần 70% điểm du lịch nằm ở vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp quy mô lớn hơn. Các tour khám phá làng nghề, trang trại hữu cơ và các chương trình trải nghiệm văn hóa đồng quê thu hút sự quan tâm của không ít du khách muốn “trở về với thiên nhiên”.
Những mô hình du lịch tiêu biểu bao gồm farmstay và các tour trải nghiệm văn hóa. Farmstay, hình thức lưu trú kết hợp nông nghiệp, đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành, như Lâm Đồng và Hà Nội, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn thông qua các hoạt động như hái rau, chăm sóc cây trồng và chăn nuôi. Tuy nhiên, do farmstay chưa được quy định rõ ràng trong khung pháp lý, việc quản lý và giám sát chất lượng còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển
Bên cạnh đó, các tour trải nghiệm văn hóa làng quê, từ việc làm nghề thủ công, xay gạo, đến tham gia lễ hội địa phương, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và tăng thu nhập cho người dân. Ví dụ, các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội với làng cổ Đường Lâm, các trang trại sinh thái đã phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống nông thôn Việt Nam.
Quá trình phát triển du lịch nông thôn có mối liên kết chặt chẽ với việc xây dựng nông thôn mới hiện đại, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng lưu trú, an toàn vệ sinh và bảo tồn văn hóa địa phương. Du lịch nông thôn đóng góp tích cực vào việc tăng thu nhập cho các gia đình nông dân, mở ra cơ hội việc làm mới, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Theo Tiến sĩ Phạm Hương Trang - Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT cho hay: “Để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, các khu vực cần đầu tư vào không gian dịch vụ bài bản, từ nông trại, cánh đồng, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống cho đến các vùng quê giàu giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương độc đáo. Hơn nữa, sự tham gia của cộng đồng địa phương đóng vai trò then chốt, vì họ không chỉ là những người tạo ra sản phẩm, mà còn là những người lan tỏa giá trị văn hóa nông nghiệp tới du khách”.
Ngoài ra, việc gắn kết chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với các điểm du lịch cộng đồng đã giúp thúc đẩy quá trình phát triển du lịch nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu du lịch địa phương mà còn mang đến nguồn thu nhập bền vững cho các hộ gia đình. Đặc biệt, mỗi điểm du lịch cần được xây dựng dựa trên một kế hoạch phát triển tổng thể, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa. Việc xây dựng các tuyến du lịch liên kết giữa các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và tăng cường sự hấp dẫn cho các điểm du lịch nông thôn
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch là xu hướng tất yếu. Các địa phương có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội và công cụ trải nghiệm ảo để đưa hình ảnh du lịch nông thôn Việt Nam đến gần hơn với du khách. Việc quảng bá bằng công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng sức hút mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm du lịch nông thôn tiếp cận đông đảo khách hàng tiềm năng hơn
Trong tương lai, nếu có các chính sách hỗ trợ phù hợp và chiến lược đầu tư rõ ràng, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của du lịch nông nghiệp, vừa thu hút đông đảo du khách vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, các địa phương cần tích cực hơn trong việc liên kết vùng, xây dựng các chương trình phát triển du lịch bền vững và đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với việc bảo vệ môi trường, để không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn xây dựng hình ảnh nông thôn Việt Nam hiện đại và đa dạng văn hóa.