Có thể thấy, dịch bệnh đã thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu hợp lý, mua sắm có kế hoạch và dần chuyển hướng sang tiêu dùng bền vững.
Theo báo cáo về chỉ số giá thực phẩm trên thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc - FAO, chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm trong tháng 5/2021 cao hơn 4,8% so với tháng 4/2021 và 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu, đường và ngũ cốc cùng với giá thịt và sữa tiếp tục tăng cao.
Thực phẩm và sản phẩm y tế là mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Bởi những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì sức khỏe và bảo vệ hệ miễn dịch trước thực trạng dịch bệnh kéo dài.
Không những thế, người tiêu dùng quan tâm hơn về vấn đề tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm hữu cơ an toàn, không thuốc trừ sâu. Đây cũng là cách để bảo vệ môi trường với tư duy khôi phục hệ sinh thái vừa góp phần giảm giá hàng hóa vừa làm cho mọi người sống khỏe hơn, sống lâu hơn.
Sau thời gian dịch bệnh kéo dài, mối quan tâm mới của người tiêu dùng là dịch bệnh, thu nhập, chi phí lương thực thực phẩm… nên không khó hiểu khi mặt hàng thiết yếu là sự ưu tiên hàng đầu.
Chị An Vy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Nếu trước đây có thể chi mạnh tay cho những món hàng xa xỉ như trang sức hay quần áo cao cấp thì nay khoản tiêu đó được cắt giảm. Bởi tôi nghĩ cần chi tiêu hợp lí và phải tiết kiệm cẩn thận hơn, dành riêng một khoản dự trù phát sinh cho những điều không lường trước được.”
Bên cạnh đó, người tiêu dùng dần hướng đến sự tiện lợi như mua sắm online. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách, hạn chế tiếp xúc... khiến việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nơi người tiêu dùng thuận tiện nhận hàng giúp người tiêu dùng mua sản phẩm họ cần vào thời điểm họ muốn trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Các hoạt động như làm việc, mua sắm, giải trí… vẫn được thực hiện mà không cần di chuyển đến nhiều vị trí, địa điểm.
Người tiêu dùng có thể tối đa hóa thời gian, tăng tính linh hoạt, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông qua truy cập từ nhà. Do đó, “tiện” đã trở thành một trong những tiêu chí tiêu dùng trong xã hội trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.
Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết, các loại sản phẩm tiêu thụ mạnh trong những tháng vừa qua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, tã giấy, sữa bột cho trẻ em… và đối tượng tiêu dùng có cả người trẻ lẫn người lớn tuổi.
Đặc biệt, việc mua sắm online đã tăng mạnh trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… và các sàn thương mại điện tử như: Tiki, shoppe, Lazada… với tỷ trọng 50%- 50%.
"Trước đây người tiêu dùng chọn mua hàng có giá trị phù hợp với giá tiền. Còn nay do thu nhập cắt giảm nên người chỉ mua những thứ họ thật sự cần. Dự đoán, trong 6-12 tháng tới người tiêu dùng vẫn tập trung mua sắm các hàng thiết yếu và thương mại điện tử vẫn là kênh mua sắm chủ yếu vì người mua dễ dàng so sánh giá cả"
Xu hướng tiêu dùng hiện nay cũng làm thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới. Các doanh nghiệp buộc phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.
Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
Để đón đầu nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng... đã phối hợp cùng các nhãn hàng, thương hiệu trong và ngoài nước triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%. Những đơn vị này còn thực hiện phong phú hình thức kích cầu như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1; tặng phiếu giảm giá cho hóa đơn kế tiếp,…
Mô hình sàn thương mại điện tử được các doanh nghiệp chú trọng phát triển. Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ, đây là lực lượng đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.
Thư Trà