Tiêu dùng xanh, bền vững
Khi xã hội phát triển, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng ngày càng được nâng lên. Không chỉ người dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội... cũng đang tích cực đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững hướng đến bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Do đó, năm 2024, thị trường các sản phẩm xanh như rau củ quả hữu cơ, đồ ăn chay, bảo quản sinh học, năng lượng tái tạo… sẽ có nhiều cơ hội phát triển và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Trải nghiệm mua sắm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)
Đây là xu hướng tiêu dùng ứng dụng công nghệ cao để mang lại trải nghiệm mua sắm mới lạ, thuận tiện và cá nhân hóa cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng tham gia trải nghiệm mua sắm ảo, nơi họ có thể thử sản phẩm, tương tác với người bán và người tiêu dùng khác thông qua các ứng dụng, nền tảng trực tuyến.
Công nghệ thực tế ảo VR, thực tế ảo tăng cường AR xuất hiện đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất khi mua sắm trực tuyến giúp người mua hàng kiểm chứng hàng hóa như thể họ đang ở trong shop. Với khảo sát của Google, 60% người mua hàng cho biết video trực tuyến đã mang đến cho họ ý tưởng hoặc nguồn cảm hứng để mua hàng và khoảng 50% người mua sắm trực tuyến phản ánh là các sản phẩm trông không giống mẫu khi họ nhận được.
“Rất có thể, năm 2024 các sàn TMĐT Việt sẽ lựa chọn phát triển hình thức quảng bá sản phẩm qua video, được coi tiết kiệm chi phí hơn ứng dụng VR, AR” Thạc sĩ CNTT Phạm Trung Thành nhận định.
Mua sắm online
Tại Việt Nam, ngành thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với sự góp mặt của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo…
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, doanh thu của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng từ 2,8 tỷ USD vào năm 2015 lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á
Thương mại điện tử vẫn là kênh mua sắm được ưa chuộng trong năm 2024 với nhiều cải thiện để gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Người tiêu dùng đã xây dựng thói quen mua sắm online để tiết kiệm thời gian và nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt, giảm giá sâu hơn kể cả trong những ngày hội sale lớn và những ngày bình thường.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian và tận hưởng những ưu đãi hấp dẫn.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và tâm thần
Người tiêu dùng luôn muốn trông khỏe hơn, đẹp hơn, thậm chí… hoàn hảo. Trước đây, người tiêu dùng ưa chuộng các giải pháp dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với lối sống ít tốn thời gian và công sức. Bây giờ, họ đang nói lời tạm biệt với kiểu lựa chọn này, thay vào đó là cách tiếp cận thực tế hơn, cá nhân hóa. Báo cáo cho biết người tiêu dùng muốn có sự cải thiện rõ ràng trong các sản phẩm được mua. Trong hành vi mua sắm, điều này có nghĩa là những công ty chọn các giải pháp bán hàng thân thiện, hiệu quả với người dùng, nghĩ đến lợi ích và sức khỏe của khách hàng sẽ chiếm ưu thế.
Chẳng hạn, các công ty bán mùi hương đang chú ý đến tác dụng trị liệu của mùi hương trong nhà, thay vì chỉ thư giãn như trước đây. Trong khi đó, các sản phẩm chăn drap gối nệm không chỉ mang đến sự thoải mái, êm ái từ chất liệu mà còn đóng vai trò hỗ trợ ngủ ngon, các thiết kế định hình giúp hỗ trợ tư thế nằm, hạn chế lệch đốt sống.
Chi tiêu tiết kiệm
Một xu hướng khác được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024 là tiết kiệm. Theo đó, người tiêu dùng dù có ý định chi tiêu nhiều hơn, nhưng phần lớn vẫn chia sẻ nguyện vọng sẽ trích khoản ngân sách từ 10%-29% thu nhập cá nhân hàng tháng cho mục đích tiết kiệm.
Sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi
Theo báo cáo của UNFPA, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, năm 2024, thị trường các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được kỳ vọng có nhiều đổi mới và phong phú hơn theo hướng an toàn, tiện ích.