Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 11,3% về trị giá.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,35 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 8/2022 và tăng 14,8% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.280 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa giảm. Hiện, xuất khẩu cà phê Robusta tăng tại các thị trường như Đức, Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Anh… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang một số thị trường khu vực châu Á giảm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 9/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 28/9/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.900 đồng/kg so với ngày 29/8/2022, xuống mức thấp nhất 46.400 đồng/kg (tại tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất 47.000 đồng/kg (tại tỉnh Đắk Lắk); tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 46.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, tháng 9/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Giá cà phê chịu áp lực do đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Thị trường lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, hàng vụ mới trong kho dồi dào trong khi kho lưu trữ hạn chế. Số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil dự báo sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2022/2023 đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ 2021/2022.
Dự báo, thời gian tới đà giảm giá cà phê sẽ chậm lại. Tính đến ngày 26/9/2022, tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York giảm 460.387 bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến vùng trồng cà phê của Việt Nam.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD dù nguồn cung giảm.
Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 của nước ta chỉ đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn khoảng 120.000 tấn so với 1,62 triệu tấn của niên vụ 2020-2021.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn.
Trong khi đó, Honduras, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Với Costa Rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Đồng thời, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê robusta của Uganda.
Ngân hàng Citigroup Inc. đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê tại Việt Nam trong năm nay và năm sau do các cuộc khảo sát cây trồng địa phương cho thấy việc mở rộng diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng cao trong năm nay. Nhìn chung, giá các mặt hàng cà phê có thể vẫn duy trì được vùng giá cao từ nay cho đến đầu năm sau.
Cụ thể: Trong một báo cáo, Citigroup Inc. nhận định: “Điều này gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng cho vụ sắp tới”.
Theo đó, ngân hàng này đã cắt giảm dự báo vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 và 2 triệu bao cho niên vụ 2021-2022 và 2022-2023.
Trong 3 năm gần đây (2019-2021) lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 1,56 – 1,66 triệu tấn. Nếu dựa theo con số này thì sản lượng dành cho xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm vào khoảng 430.000 – 450.000 tấn.