Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200 nghìn tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 50,3% về giá trị so với tháng 2/2023.
Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 438.000 tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% về lượng, nhưng kim ngạch tăng 4,6% lên mức kỷ lục 4,24 tỷ USD.
Về chủng loại, trong tháng 1, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê robusta và arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê robusta sang nhiều thị trường, như: Italy, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta sang một số thị trường truyền thống giảm, như: Đức, Nhật Bản, Mỹ.
Tiếp nối đà tăng của giá cà phê xuất khẩu từ năm 2023, giá xuất khẩu bình quân tháng 2 tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 50,6% so với tháng 2/2023. Hai tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ.
Trong nước, giá cà phê robusta tăng mạnh so với cuối tháng 1 do nhu cầu vẫn ở mức cao. Theo khảo sát thị trường, những ngày này giá cà phê nhân tại thị trường nội địa tiếp tục tăng mạnh. Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (5/3), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tăng 1.100 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 86.200 - 87.100 đồng/kg.
Giá cà phê trong những ngày gần đây liên tục xô đổ những kỷ lục đã đem lại niềm vui cho người nông dân. Hiện giá cà phê trong nước đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước. Với mức giá này, nhiều hộ trồng cà phê cho biết mùa vụ năm nay lãi lớn gấp 2 - 4 lần trồng lúa.
Nguyên nhân giá cà phê liên tục lập đỉnh mới là do nhu cầu của thế giới với cà phê Robusta của Việt Nam rất lớn. Cùng với đó, nhu cầu tại thị trường nội địa cũng tăng mạnh nên một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước.
Các dự báo gần đây cho thấy, giá cà phê thế giới sẽ chịu áp lực giảm trong thời gian tới do hoạt động bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ, bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu về cà phê ngày càng cao.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12/2023 đã tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 12,2 triệu bao. Qua đó đưa tổng xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2023-2024 lên mức 32,4 triệu bao, tăng 6,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Sản lượng được Hiệp hội Cà phê – Cacao dự báo giảm 10% so với niên vụ trước đó xuống 1,6 triệu tấn. Nguyên nhân là do diện tích trồng cà phê có bị thu hẹp do nông dân chuyển hướng cân trồng.
Số liệu ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2024 và dự kiến sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2024-2025 cao hơn các dự báo trước đó do thời tiết khô hạn đã giảm bớt, trong khi biến động tỷ giá USD/BRL đã khuyến khích người dân của quốc gia này đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.
Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thuỷ sản. Với tình hình này, chuyên gia dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5-5 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.